Tạo đà bứt phá trong đào tạo nghề
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 06/01/2021
Chuyển biến tích cực
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ năm 2017 trở về trước, mỗi năm, gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước chỉ tuyển sinh được khoảng 60-70% kế hoạch đề ra. Song, nhờ tinh thần chủ động đổi mới, không ngừng sáng tạo đến từ nhiều phía, hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở nước ta chuyển biến ngày càng tích cực, thể hiện trên nhiều phương diện.
Ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) cho biết, trước đây, người học và gia đình thường coi việc học nghề là lựa chọn thứ hai, sau khi không đỗ vào các trường trung học phổ thông, đại học. Thế nhưng hiện nay, đa số người học nghề đều có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi đăng ký dự tuyển.
Sinh viên Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội) chia sẻ: “Dù đạt số điểm tương đối cao tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, nhưng em vẫn lựa chọn học nghề công nghệ ô tô. Đó là nghề em đam mê từ nhỏ, lại được nhà trường cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp, nên em càng yên tâm”.
Là đơn vị đang hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast) cho hay, sự quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề của các cơ quan chức năng và sự đổi mới của các nhà trường là yếu tố hấp dẫn doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề cho người lao động. Điều này giúp người học có việc làm sau khi tốt nghiệp; nhà trường có nguồn đầu vào chất lượng; doanh nghiệp có nguồn nhân lực vững vàng kỹ năng.
Đáng chú ý, hoạt động hiệu quả của hệ thống giáo dục nghề nghiệp được thể hiện rõ hơn qua kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề. “Giai đoạn 2017-2020, mỗi năm, cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu người, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cả nước vẫn có 2,28 triệu người lựa chọn học nghề, đạt 100,9% kế hoạch. Đặc biệt, 85% số người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề đã có việc làm”, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin.
Đào tạo theo thị trường việc làm
Bước “chuyển mình” vươn lên của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây góp phần quan trọng để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nghề gắn liền với thị trường việc làm chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Số người lựa chọn học nghề, số lao động qua đào tạo tuy tăng, nhưng vẫn còn thấp. Hiện, cả nước mới có 25% lao động qua đào tạo nghề.
Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hoạt động đào tạo nghề chưa thích ứng kịp với thị trường lao động xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề. Việc đào tạo, bổ sung kỹ năng nghề thường xuyên, suốt đời cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức… Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chủ động thiết lập, xây dựng các mô hình đào tạo theo sát thị trường; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, địa phương quan tâm đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng nghề cho người lao động…
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo hình thức song hành (người học vừa là sinh viên của nhà trường, vừa là người lao động của doanh nghiệp), bảo đảm người học chắc chắn có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đánh giá, nhà trường và doanh nghiệp song hành đào tạo nghề sẽ góp phần cung ứng cho thị trường lực lượng lao động phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành, nghề… Còn ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức mong muốn, các cơ quan chức năng xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành, nghề và các cấp trình độ, làm căn cứ cho các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề phù hợp.
Về vấn đề này, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng mô hình đào tạo song hành trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phối hợp với các địa phương khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động ở nhiều bậc trình độ. Phấn đấu trong năm 2021, cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho 2,5 triệu người.