Bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm dịp cuối năm: Kiểm soát ngay từ ''đầu vào''

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:07, 06/01/2021

(HNM) - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây cũng là thời điểm lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn Thủ đô được tiêu thụ lớn nhất trong năm. Thời điểm này, việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng rau, thịt, cá... gia tăng đáng kể, kéo theo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng tăng cao. Do vậy, các ngành chức năng của thành phố cần tăng cường giải pháp giám sát, kiểm soát từ vật tư "đầu vào", đến các khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, thực phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến tại các cơ sở trên địa bàn. Trong ảnh: Dây chuyền sơ chế thịt gia cầm theo tiêu chuẩn châu Âu của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ).

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tăng cao 

Thời điểm hiện tại, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán (tăng 20-30% so với các tháng khác) nên việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng rau, thịt... bán ra thị trường, cũng như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản vẫn là một thách thức.

Hà Nội hiện có 17.598 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, phần lớn nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Sang ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), gia đình ông có 2 sào trồng su hào, bắp cải, để phòng, chống sâu bệnh, vẫn phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi đó, bà Lê Thị Hợp, tiểu thương ở chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, hiện mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 2 tấn rau, dịp Tết lượng hàng có thể tăng gấp đôi. Rau được mua từ các huyện trên địa bàn thành phố và một số tỉnh như: Hưng Yên, Hải Dương... Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thì chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan.

Nhận định về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, từ ngày 15-12-2020 đến nay, các đơn vị của Sở đã lấy 42 mẫu để giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm ở các vùng sản xuất, phát hiện 2 mẫu thịt nhiễm chỉ tiêu Salmonella (loại vi trùng có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật) vượt ngưỡng cho phép. Mặt khác, qua kiểm tra thực tế tại các chợ đầu mối như: Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai)... cho thấy nhiều tiểu thương chưa tuân thủ việc ghi chép sổ sách nhật ký, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, để phòng, chống nguy cơ mất an toàn thực phẩm, năm 2020, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp lấy 76 mẫu nông sản để giám sát chất lượng. Qua đó phát hiện 1 mẫu dưa chuột còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 1 mẫu thịt gà vượt dư lượng Salmonella, 2 mẫu cá dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép… "Vấn đề nan giải trong công tác quản lý, giám sát hiện nay là hơn 90% cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện sản xuất theo thời vụ, chưa tuân thủ việc ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...", ông Đỗ Quang Trung nhấn mạnh.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là rất cao. 

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc nông sản tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hương Giang

Giám sát từ vật tư "đầu vào" đến khâu tiêu thụ 

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội năm 2021 mới đây (ngày 29-12-2020), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ vật tư đầu vào (vật tư nông nghiệp) đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như rau, thịt, cá... Cùng với đó là tăng cường giám sát nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Trước mắt từ nay đến ngày 25-3, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, thực phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến tại các cơ sở trên địa bàn. Mặt khác, tập trung vào khâu hậu kiểm ở các doanh nghiệp tự công bố về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định.

Để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, huyện tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, mỗi xã thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức các đợt kiểm tra vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, quyết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm...

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và chính người tiêu dùng Thủ đô, chắc chắn nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Tuy nhiên về lâu dài, thành phố cần hỗ trợ các địa phương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm… Mặt khác, mỗi nhà sản xuất cần nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ngọc Quỳnh