Đổi mới mạnh mẽ để phục vụ nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 06/01/2021
Nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn
- Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang đi đến chặng cuối. Đồng chí có thể điểm qua những nét đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua?
- Có thể nói, hoạt động của Quốc hội qua từng năm, từng nhiệm kỳ đều có những nét đổi mới rất nổi bật. Mỗi một nhiệm kỳ sau, Quốc hội có những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn những nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, ở nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội có nhiều nét đổi mới trên cả ba mặt là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập pháp, nếu như trước đây chương trình xây dựng pháp luật thường là kế hoạch tổng thể 5 năm thì nay được tiến hành từng năm, nắm bắt nhiều vấn đề, bám sát hơi thở thực tiễn, những vấn đề thời sự, cấp bách, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Nhờ đó, hệ thống pháp luật, thể chế được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng pháp luật, từng vấn đề đều được lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng được tăng lên. Các luật cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện sâu sắc để quá trình tiếp thu, giải trình, hoàn thiện được tốt hơn.
Hay trong công tác giám sát, chất vấn, tranh luận cũng có nhiều đổi mới. Việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo cơ chế hỏi nhanh - đáp gọn, tránh dài dòng. Nhiều đại biểu được đăng ký hỏi và có nhiều lượt trả lời. Chính điều này cũng tạo nên không khí chất vấn rất sôi nổi tại các kỳ họp Quốc hội. Ở giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội cũng đã tổ chức chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về giám sát và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Những vấn đề đã được chất vấn, giám sát đi đến cùng, nhận được sự hoan nghênh từ cử tri và nhân dân.
Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã rất nhanh chóng, kịp thời đáp ứng các yêu cầu của việc hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Những điều này được thấy rất rõ trong bối cảnh dịch Covid-19 hay tình hình thiên tai, mưa lũ vừa qua…
- Thưa đồng chí, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có sự đổi mới ra sao trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội, tiến tới xây dựng quốc hội điện tử?
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội được thực hiện một cách mạnh mẽ và đem lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong việc xây dựng quốc hội điện tử.
Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, một lần nữa, những dấu ấn của Quốc hội vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 do Việt Nam tổ chức diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Thủ đô Hà Nội) từ ngày 8-9-2020 đến 10-9-2020 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA khắc phục khó khăn, củng cố đoàn kết và hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”.
Đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu
- Năm 2021, sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí có thể cho biết thêm về công tác chuẩn bị bầu cử từ khi Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập đến nay?
- Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, lần này Hội đồng Bầu cử quốc gia đã được thành lập sớm một kỳ họp so với những nhiệm kỳ trước. Việc này giúp Hội đồng chủ động, sớm đi vào hoạt động, có thêm quỹ thời gian để hướng dẫn các quy định mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội khóa XIV sửa đổi, thông qua. Từ đầu tháng 8-2020, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp phiên thứ nhất.
Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã được lập ra và đi vào hoạt động. Mọi công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đến nay đều bảo đảm tiến độ đề ra.
- Thưa đồng chí, Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ “lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”. Vậy, việc này đang được chuẩn bị như thế nào cho cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 23-5-2021 sắp tới?
- Sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập (ngày 19-6-2020), đã tiến hành ban hành các quy định, quy chế chặt chẽ đồng thời rà soát về các hồ sơ ứng cử. Bên cạnh đó, cũng đã thiết lập và đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ và các quy trình về bầu cử được thực hiện một cách rất chặt chẽ.
Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu được giữ nguyên là 500 đại biểu nhưng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách phấn đấu tăng lên cao hơn nhiệm kỳ khóa XIV, phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 40% đại biểu Quốc hội chuyên trách (tăng hơn 5% so với trước).
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng phải bảo đảm chất lượng đại biểu. Chúng ta cũng cố gắng phấn đấu đủ các cơ cấu, thành phần nhưng phải chọn được những người tiêu biểu, ưu tú nhất đại diện cho tiếng nói của cử tri, của nhân dân. Do đó, công tác nhân sự được tiến hành một cách rất kỹ lưỡng, thận trọng.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!