8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2021

Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 06/01/2021

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, ngày 4-1, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo nghị quyết, kế thừa những kết quả đạt được, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 với 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nêu rõ: Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ, nhưng đất nước ta đã đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Kế thừa những kết quả đạt được, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp: Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chuẩn bị, ban hành và triển khai ngay các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Chính phủ cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ…

Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 là khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%). Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương...

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:

1. Tốc độ tăng GDP: Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).

2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD.

3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%.

4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45-47%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%.

6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Khoảng 66% (trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%).

7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Khoảng 91%.

8. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1-1,5 điểm %.

9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%.

10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Trên 87%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: Khoảng 91%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng: Khoảng 42%.

Hà Phong