Kiên quyết xử lý dứt điểm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật
Đời sống - Ngày đăng : 16:32, 07/01/2021
Không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh, kỷ cương pháp luật, việc thành phố Hà Nội quyết liệt xử lý nghiêm, không để vi phạm tiếp tục kéo dài đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của người dân Thủ đô. Đây cũng là một trong nhiều việc khó, nhạy cảm đã được thành phố xử lý có hiệu quả trong năm 2020. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đã thông tin với Báo Hànộimới về tiến trình thực hiện, kết quả xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực.
- Là công trình vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm, được thành phố chỉ đạo xử lý nhiều năm nay, tuy nhiên, vì sao việc xử lý vi phạm tại số 8B Lê Trực đến nay mới hoàn thành, thưa ông?
- Vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực diễn ra từ năm 2012. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực đã tổ chức thi công xây dựng công trình không phép gồm toàn bộ phần cọc nhồi, 4 tầng hầm. Sau khi được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng, từ ngày 24-3-2014 đến tháng 12-2014, chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng công trình sai với nội dung giấy phép: Sai về số tầng, sai về chiều cao, sai về khoảng lùi, khoảng giật cấp, dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng là 6.974m2.
Quá trình chỉ đạo xử lý, xác định đây là vụ việc phức tạp, vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, UBND thành phố đã giao Thanh tra thành phố thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm. Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy cũng đã đưa công tác xử lý khắc phục vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực vào danh mục nội dung được Thành ủy theo dõi, đôn đốc thực hiện. Thanh tra thành phố đã có kết luận thanh tra; UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cán bộ có liên quan, đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa điểm trên.
Mặc dù Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo xử lý từ năm 2015, nhưng việc xử lý kéo dài, đến nay mới hoàn thành là do chủ đầu tư không phối hợp, chống đối, cản trở các đơn vị thi công, tư vấn và có đơn khiếu nại đến các cơ quan, khởi kiện Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình ra tòa án nhằm kéo dài vụ việc, để công trình tồn tại.
Cả hai giai đoạn xử lý vi phạm, UBND quận Ba Đình đều phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nên yếu tố rất quan trọng đó là đơn vị thi công phải đủ năng lực, trình độ, tiến hành tháo dỡ nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bộ phận công trình còn lại cũng như các công trình lân cận... Đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, UBND quận Ba Đình đã hoàn thành công tác xử lý vi phạm trật tự đối với dự án 8B Lê Trực.
- Công tác cưỡng chế phá dỡ, tháo dỡ phần công trình vi phạm tại số 8B Lê Trực phải bảo đảm đúng quy định pháp luật trong khi các công đoạn tiến hành rất phức tạp. Xin ông cho biết tiến trình thực hiện xử lý vi phạm đối với công trình trên?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trên cơ sở hướng dẫn của các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan, UBND quận Ba Đình đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ, tháo dỡ (giai đoạn 2) công trình sai phạm số 8B Lê Trực bảo đảm theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật.
Cụ thể, về tiến trình xử lý, thực hiện Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 9-1-2016 của UBND quận Ba Đình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình, UBND quận Ba Đình đã ban hành Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 21-4-2020, cũng như các quyết định: Thành lập tổ công tác phục vụ công tác cưỡng chế tháo dỡ; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phá dỡ; phương án, giải pháp phá dỡ sàn mái tầng 18; phương án, giải pháp phá dỡ dầm, cột tầng 18.
Các công tác cưỡng chế phá dỡ, tháo dỡ được tiến hành theo đúng quy trình. Đầu tiên là tiến hành rà phá bom mìn, vật liệu cháy nổ; tiếp theo là tiến hành khảo sát các công trình liền kề và lập hệ thống quan trắc. Để bảo đảm an toàn cho tài sản của các hộ dân, tổ công tác đã tiến hành mở khóa các căn hộ tại tầng 18, kiểm đếm, tháo dỡ, niêm phong các thiết bị, đồ đạc trong các căn hộ để đưa về nơi lưu giữ theo quy định, bảo đảm đúng quy trình quy định, có sự chứng kiến của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận, hệ thống chính trị - xã hội tại cơ sở, được lập, ghi nhận bằng biên bản và ghi hình.
Từ ngày 12-5-2020, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam đã tiếp quản mặt bằng và tiến hành công tác tháo dỡ, phá dỡ theo phương án, giải pháp được phê duyệt và tới ngày 5-10-2020 hoàn thành phá dỡ phần công trình vi phạm (trừ phần được giữ lại gồm kết cấu cột dầm từ trục A1 đến trục D+5,3m và trục 4 đến trục 7, kết cấu lõi thang và dầm treo tầng 18... ). Việc giữ lại một số hạng mục trên là do yêu cầu về kỹ thuật, bảo đảm kết cấu và an toàn cho tòa nhà.
- Ông chia sẻ rõ hơn về giải pháp trong việc thực hiện "cắt ngọn" tầng 18?
- Theo phương án, giải pháp phá dỡ, tháo dỡ (tường và sàn bê tông tầng 18) được phê duyệt tại Quyết định 930/QĐ-UBND ngày 23-4-2020 và số 1176/QĐ-UBND ngày 17-8-2020 của UBND quận Ba Đình (đã được Sở Xây dựng Hà Nội góp ý kiến tại văn bản 2966/SXD-QLXD ngày 17-4-2020 và văn bản 7209/SXD-GĐCL ngày 12-8-2020), đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam thực hiện cắt từng ô sàn mái tầng 18 theo các diện tích khác nhau (nặng khoảng 1 tấn).
Việc cắt sàn được thực hiện bằng máy cắt lưỡi kim cương (lưỡi cắt chuyên dụng cho đá, bê tông) có tốc độ cao, khả năng chịu mài mòn và chịu lực tốt, có thể cắt được sàn bê tông dày 30cm. Các ô sàn sau khi được cắt sẽ được cần trục tháp vận chuyển xuống. Giải pháp dùng máy cắt lưỡi kim cương cũng như phương án cắt dần các ô sàn để hạ tải trọng, cắt bỏ dần các dầm, cột theo thứ tự được tính toán bảo đảm cho phần kết cấu còn lại của công trình không bị ảnh hưởng do tác động của việc tháo dỡ.
Toàn bộ quá trình tháo dỡ, phá dỡ được đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng VNT Việt Nam (chứng chỉ năng lực giám sát hạng I) giám sát; Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) thực hiện hiện khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, thiết lập hệ thống quan trắc biến dạng công trình.
Sau khi hoàn tất xử lý phần công trình vi phạm, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 9-12-2020, UBND quận đã cùng Công ty cổ phần May Lê Trực kiểm tra hiện trạng, tổ chức bàn giao mặt bằng công trình để chủ đầu tư thực hiện chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan kiến trúc đô thị, hoàn thiện phần mái thành giàn hoa, bồn cây và chỉ được phép sử dụng vào các mục đích sử dụng chung của tòa nhà.
- Trân trọng cảm ơn ông!