Nhiều trường hợp phạm tội là người nước ngoài nhập cảnh du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh

Đời sống - Ngày đăng : 17:36, 07/01/2021

(HNMO) - Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Hồ Chí Minh, số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, khách du lịch nhập cảnh vào thành phố giảm trên 90%. Tuy nhiên, số người nhập cảnh du lịch rồi vi phạm pháp luật tăng.

Sở Du lịch và Công an thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 7-1, Sở Du lịch, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm và Lễ ký kết Quy chế về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Đại tá Phạm Ngọc Tiến – Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian qua, số lượng khách du lịch nước ngoài nhập cảnh vào thành phố tăng dần theo các năm. Năm 2016 có 73.035 khách nhập cảnh; năm 2017 có 217.281 người; năm 2018 có 626.976 người; năm 2019 có 1.641.241 khách. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách nhập cảnh giảm trên 90% so với năm 2019. Tuy nhiên, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã thường xuyên phối hợp Công an các quận, huyện kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật là người nhập cảnh với mục đích du lịch”.

Năm 2019 các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật với 315 đối tượng  nhập cảnh người Trung Quốc, 133 đối tượng có quốc tịch các nước châu Phi, 93 đối tượng người Hàn Quốc và 140 đối tượng thuộc các quốc tịch khác. Các hoạt động vi phạm phổ biến là tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, tổ chức cá cược thể thao, trò chơi qua mạng, gọi điện giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Sang năm 2020, lượng người nhập cảnh vào thành phố giảm trên 90%. Tuy nhiên, lượng người nhập cảnh vi phạm pháp luật gia tăng, chủ yếu là những người cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép vào thành phố với nhiều mục đích khác nhau như: Du lịch, trốn dịch, kiếm việc làm…

Theo Đại tá Phạm Ngọc Tiến – Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Hồ Chí Minh, để chấn chỉnh tình trạng nói trên, trong thời gian tới, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị ngành Du lịch nghiên cứu, tham mưu xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ về trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức bảo lãnh, các doanh nghiệp lữ hành - du lịch. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính để tăng hiệu quả răn đe.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan phải xây dựng một hệ thống mạng dữ liệu trao đổi chung để từ đó có cơ sở kiểm tra, đối chiếu về quá trình nhập cảnh du lịch. Cuối cùng, các sở, ngành của thành phố có liên quan cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm sau cấp phép; xử lý kiên quyết các hành vi lợi dụng giấy phép đầu tư, kinh doanh để bảo lãnh cho người nhập cảnh; nhập cảnh không đúng mục đích. 

Tuệ Diễm