Ngành Công Thương: Quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 14:05, 07/01/2021
Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước. Về phía thành phố Hà Nội, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Bứt phá trong hội nhập, xuất siêu cao kỷ lục
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hội nhập quốc tế là điểm nhấn quan trọng của ngành Công Thương trong năm 2020, với việc Việt Nam tham gia thêm 3 hiệp định thương mại, gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia lên con số 15.
Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất, nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đến tâm lý người dân và ảnh hưởng tới thị trường các hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các địa phương. Trong các đợt dịch thứ hai, thứ ba không còn tình trạng người dân “đổ xô” đi mua hàng hóa tích trữ, hàng hóa được lưu thông ổn định. Thị trường trong nước trở thành điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, ngành Công Thương triển khai 5 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo; tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) với 6.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước; có 17 khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 43 cụm công nghiệp được thành lập mới trong năm 2020. Các hoạt động công nghiệp, thương mại tiếp tục duy trì và phát triển tốt, cung ứng hàng hóa được bảo đảm đầy đủ, nhất là trong 2 đợt dịch diễn ra trên cả nước và thành phố…
Về nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai 9 nhóm nhiệm vụ công tác lớn, hơn 230 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, thành phố cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn, phát triển hạ tầng thương mại, thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát thị trường được tăng cường, có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt dịp cuối năm và lễ, Tết…
Kiên trì thúc đẩy hội nhập quốc tế, mở ra không gian mới cho sự phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những kết quả to lớn, nhiều mặt, đóng góp tích cực cho sự thành công chung của cả nước, cho thấy tinh thần quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế của ngành Công Thương.
Thủ tướng nhấn mạnh tới 10 kết quả nổi bật của ngành trong năm qua, như sản xuất công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực; xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19...
Khẳng định công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm qua của ngành Công Thương đạt nhiều kết quả quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta ký được tới 4 hiệp định thương mại tự do lớn như nhiệm kỳ này, nhất là EVFTA đã phát huy tác dụng hết sức kịp thời. Chúng ta tham gia vào RCEP, là hiệp định lớn nhất toàn cầu. Giai đoạn này chúng ta kiên trì thúc đẩy hội nhập quốc tế, mở ra không gian mới cho sự phát triển của đất nước, thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong phát triển”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt hạn chế của ngành như: Ngành công nghiệp nhìn chung còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa mạnh vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập bước đầu đã có những đổi mới song vẫn còn những hạn chế....
Về những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2021, Thủ tướng lưu ý, Bộ Công Thương cần triệt để bám sát những nội dung nhiệm vụ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, định hướng đến năm 2022.
Bộ Công Thương cần tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu, cần tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị cần thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của các cấp lãnh đạo ngành Công Thương, theo phương châm hành động của Chính phủ.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phải tập trung rà soát các mặt công tác để lo cho người dân đón Tết an toàn, đầy đủ. Đặc biệt là công tác quản lý thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa phục vụ Tết cho người dân.