Phát triển nhà ở giá rẻ: Tìm giải pháp hiệu quả
Bất động sản - Ngày đăng : 06:11, 07/01/2021
Đã ít, lại không rẻ
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, từ năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, nhất là tại các đô thị. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, nguồn cung nhà ở giá rẻ (nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ) càng sụt giảm.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách, hộ thu nhập thấp... Tuy nhiên, đến nay cả nước mới hoàn thành 249 dự án, với 5,21 triệu mét vuông, quy mô khoảng 104.200 căn hộ (đạt tỷ lệ 41,7% so với mục tiêu đề ra).
Điều đáng nói là việc sụt giảm nguồn cung trong khi lực cầu vẫn lớn đã đẩy giá căn hộ tăng mạnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong quý III-2020, giá căn hộ tăng 15-20% so với quý II-2020, khiến các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp... “Phân khúc nhà ở giá rẻ tại thành phố Hồ Chí Minh đã không còn. Còn ở Hà Nội, tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp, chỉ khoảng 10%. Đáng lưu ý, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án”, ông Nguyễn Mạnh Hà thông tin.
Còn chị Vũ Minh Hạnh (29 tuổi, quê Phú Thọ, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tìm hiểu tại nhiều dự án, tôi thấy giá căn hộ 2 phòng ngủ bình quân khoảng 2 tỷ đồng. Với mức thu nhập của hai vợ chồng (khoảng 25 triệu đồng/tháng), trừ chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ, tiền học cho con, một năm gia đình mới tiết kiệm được khoảng 60-70 triệu đồng. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở giá rẻ khiến đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp càng khó có cơ hội mua nhà”.
Nêu lý do giá bất động sản vẫn tăng bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, ngoài việc lệch pha cung - cầu, còn do nhu cầu quá cấp thiết của các gia đình trẻ; truyền thống đầu tư, coi bất động sản là kênh đầu tư an toàn của người Việt Nam; tình trạng đầu cơ bất động sản đẩy giá lên qua các lần sang tay trên thị trường thứ cấp…
Thực hiện các giải pháp khơi thông
Cần sớm có giải pháp thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để nguồn cung trở lại thị trường, cân bằng giá là ý kiến của nhiều chuyên gia bất động sản. “Hiện nhiều chủ đầu tư đang có các dự án kẹt nhiều năm nay. Nếu sớm tháo gỡ, nguồn cung chắc chắn được cải thiện”, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển (Công ty cổ phần DKRA Việt Nam - đơn vị tư vấn, tiếp thị, phân phối dự án bất động sản) Nguyễn Hoàng chia sẻ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm sửa đổi những quy định liên quan đến thị trường bất động sản như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các nghị định… nhằm thúc đẩy phát triển các dự án mới.
Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích phát triển loại hình nhà ở này. Thứ nhất là về quy hoạch, bố trí quỹ đất, các địa phương khi rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại giá rẻ cũng như xác định cụ thể danh mục các dự án. Thứ hai là giá bán cần được xem xét, điều chỉnh trong từng thời kỳ phụ thuộc theo sự biến động của thị trường. Trước mắt, đối với các thành phố lớn, giá bán nhà ở thương mại giá rẻ không vượt quá 25 triệu đồng/m2, đối với các địa phương còn lại, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2. Thứ ba là cơ chế ưu đãi về đất đai, trong đó doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định. Thứ tư là về thủ tục đầu tư xây dựng, doanh nghiệp đầu tư xây dựng được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; trường hợp dự án đã thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng. Thứ năm là về cơ chế huy động vốn, chủ đầu tư dự án được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định của Luật Nhà ở; được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai dự án; được vay vốn ưu đãi.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện Bộ đang khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (ngày 20-10-2015) của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ đang phối hợp, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung chính sách phát triển nhà ở xã hội. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để cho doanh nghiệp và người dân vay xây dựng, mua nhà ở xã hội.