Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải trả lời ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 21:05, 08/01/2021

(HNMO) - Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Một trong những điểm mới của Nghị định 154/2020/NĐ-CP là bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL. Cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo phải trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL.

Về các trường hợp Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và Quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là VBQPPL, ngoài các trường hợp đã được quy định trước đó, Nghị định 154/2020/NĐ-CP cũng bổ sung trường hợp “Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch” cũng không phải là VBQPPL.

Về đánh giá tác động của chính sách, Nghị định 154/2020/NĐ-CP nêu rõ, tác động về xã hội được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội, chính sách dân tộc (nếu có) và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội.

Tác động về giới (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.

Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định 154/2020/NĐ-CP cũng quy định, trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách phải đánh giá tác động của chính sách mới. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày đề xuất chính sách mới, cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động đối với chính sách mới đó.

Đối với văn bản do Chính phủ trình, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về nội dung chính sách mới (nếu có); đối với văn bản không do Chính phủ trình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thẩm tra để kịp thời báo cáo Chính phủ về nội dung chính sách mới (nếu có).

Khi soạn thảo thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phải có trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách (nếu có).

D.T