Nhiều kỳ vọng vào vị tổng thống mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 09/01/2021
Quốc hội Mỹ nhóm họp là thủ tục cuối cùng trước khi tân Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Mặc dù tiến trình lần này gặp một vài trắc trở gây gián đoạn, các nhà lập pháp xứ Cờ hoa đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng luật định, qua đó xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn hồi cuối tháng 12-2020. Với 306 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden đã vượt qua đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Kết quả kiểm phiếu tại Quốc hội cũng cho thấy không có đại cử tri nào bỏ phiếu "bội tín" kết quả phiếu bầu phổ thông ngày 3-11. Những khiếu nại liên quan tới kết quả bầu cử tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Arizona... cũng đều đã bị bác bỏ.
Như vậy, cuộc bầu cử gay cấn và thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thế giới đã khép lại, mở ra một “hành trình mới” cho nước Mỹ. Sau khi nhậm chức, chính quyền mới tại Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ cấp bách như: Ứng phó với đại dịch Covid-19 để khôi phục tăng trưởng kinh tế; chấm dứt các vấn nạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bất bình đẳng thu nhập, phân biệt sắc tộc... Trong đó, thách thức lớn và quan trọng hơn cả là hàn gắn sự chia rẽ và bất đồng trên chính trường và trong xã hội nước Mỹ. Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế sớm phục hồi, những mâu thuẫn nội bộ trong lòng nước Mỹ cũng sẽ theo đó thuyên giảm.
Về đối ngoại, việc nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của một chính trị gia kỳ cựu với 47 năm kinh nghiệm trên chính trường và nhiều năm giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ như Tổng thống đắc cử Joe Biden được kỳ vọng tạo ra những khác biệt trong thời gian tới. Mỹ cũng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh, đồng thời thuyết phục họ rằng Washington vẫn là một đối tác tin cậy, ổn định lâu dài. Theo những cam kết trước bầu cử, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ kế thừa đường lối cứng rắn trong xử lý các vấn đề về thương mại, sở hữu trí tuệ… nhưng với những biện pháp linh hoạt hơn thay vì tập trung vào thuế quan. Chính quyền của ông Joe Biden cũng sẽ phải tìm cách tái hợp tác trong các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế… cũng như tái gắn kết với các đồng minh truyền thống. Dĩ nhiên, làm được điều này không phải dễ dàng, bởi trong bối cảnh các quốc gia trên khắp thế giới - đặc biệt là Trung Đông và châu Âu - đã đối mặt với sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 4 năm qua.
Giới quan sát nhận định, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã có bước khởi đầu tương đối thuận lợi bởi ngay sau khi Quốc hội Mỹ lên tiếng xác nhận chiến thắng của đối thủ, đương kim Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ có một cuộc chuyển giao trong trật tự. Lễ tuyên thệ nhậm chức này sẽ diễn ra tại sảnh Tây của Điện Capitol vào trưa 20-1 tới. Theo Ủy ban nhậm chức của Mỹ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lễ diễu hành truyền thống chào đón Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sẽ được thay thế bằng đoàn hộ tống quy mô nhỏ, không rầm rộ như cảnh tượng thường thấy trong các lễ nhậm chức trước đây.
Chưa đầy hai tuần nữa là tới thời điểm tân Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Giờ chính là lúc người dân Mỹ cần đoàn kết, tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden để sớm ổn định bộ máy chính quyền, đưa nước Mỹ thoát khỏi nhiều gánh nặng như hiện nay.