Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Hiểu đúng ca trù để bảo tồn đúng
Văn hóa - Ngày đăng : 15:08, 09/01/2021
- Thưa nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, ngày xưa hát ca trù, hay còn gọi là hát ả đào, có vị trí như thế nào?
- Theo thống kê của chúng tôi, trong thế kỷ XIX, XX, các tỉnh miền Bắc trở vào cho đến Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình mỗi huyện có 2 làng có hát ả đào. Đó là những làng nghề. Đã gọi là “làng nghề” tức là họ phải sống được bằng nghề. Năm 1940, người Pháp thống kê trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm nhà hát cô đầu với hàng nghìn đào, kép hoạt động. Nói như vậy để thấy trong quá khứ, đây là thể loại âm nhạc bao trùm cuộc sống của người Việt với số lượng diễn viên đông nhất. Theo nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì trên chuyến tàu năm 1946 khi tản cư chống Pháp, người ta gom được khoảng 300 - 400 cô đầu lên tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ để đi làm dân công trên chiến khu. Đây là lực lượng diễn viên mà các thể loại khác như tuồng, chèo, cải lương hồi bấy giờ không thể sánh được.
- Điều gì đã thúc đẩy anh nghiên cứu âm luật ca trù?
- Trước đây tôi dạy nhạc lý cơ bản và dạy môn Âm nhạc cổ truyền ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Khi đứng trên bục giảng tôi ao ước một ngày nào đó sẽ dạy và truyền bá nhạc của cha ông bằng lý thuyết. Tôi hiểu rằng lý thuyết âm nhạc cơ bản giúp người ta tiếp thu rất nhanh. Khi đúc kết ra âm luật thì người học tiếp thu nó một cách dễ dàng. Còn nhạc cổ truyền nước ta từ xưa đến nay vẫn là truyền khẩu - truyền miệng. Các thể loại khác như tuồng, hò Huế, cải lương... thì có âm luật rồi, nhưng ả đào thì chưa. Thể loại này ở một tầng bậc rất phức tạp, không dễ để hiểu nó. Trong khi đó, việc truyền dạy cứ bị mai một dần. Thách thức của tôi là khi những nghệ nhân nhà nghề như cụ Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức phê phán lớp trẻ bây giờ đàn, hát không có phách, không có khuôn khổ. Nhưng lúc ấy mình nghe thì không hiểu. Rõ ràng mình thấy cô đào đó vừa hát vừa đánh phách cơ mà! Sau đó tôi bắt tay nghiên cứu. Sau 6 năm mới vỡ ra rằng, hóa ra nhạc ả đào có khuôn thước riêng.
- Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả nghiên cứu của mình?
- Cấu trúc của hát ả đào là cấu trúc lắp ghép từng khổ đàn, khổ phách và nó có độ chính xác đáng kinh ngạc. Mỗi khổ đàn, khổ phách lại có đặc điểm về âm điệu, về tiết tấu, nhịp độ riêng. Người đàn, hát có nghề phải nắm được mô hình đó và lắp ghép bài bản. Nếu đàn, hát không đúng khuôn thước đó thì người ta gọi là không có khuôn khổ. Để hiểu ra được điều đó mất rất nhiều năm.
- Khi nghiên cứu thành công, bắt đầu đi vào ứng dụng thực tiễn, cụ thể là với Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, anh đã gặp những khó khăn gì?
- Khó khăn đầu tiên là họ không được đào tạo qua trường lớp về âm nhạc, không biết đọc nhạc. Vì thế, tôi quyết định sử dụng phương pháp sơ đồ hóa. Thách thức đặt ra là làm sao phải dùng sơ đồ để chuyển tải đúng âm luật của ca trù để đào, kép nắm bắt được, thực hành được.
Lúc đầu, theo chị Đỗ Quyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, có 15 học viên đăng ký chính thức và 5 người nữa xin dự thính. Nhưng sau buổi tập huấn thứ nhất thì chỉ còn lại 7 - 8 người theo học. Vấn đề là lâu nay họ quen đàn sai, hát sai khuôn khổ. Bây giờ, khi tôi phân tích thế nào là đúng thì họ khiếp quá. Khi tôi phân tích mô hình đều mở bản phổ, vẽ sơ đồ và cho họ nghe băng của cụ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, ông Đinh Khắc Ban và chỉ cho họ trên sơ đồ ấy chính xác như thế nào. Nhạc của các cụ kỳ diệu lắm, nhưng bấy lâu đàn, hát sai mà họ không hay biết.
- Sau dự án này, anh có kế hoạch gì trong việc bảo tồn ca trù ở các câu lạc bộ khác?
- Từ thành công của dự án này, nhiều người động viên tôi tiếp tục thực hiện hiệu chỉnh khuôn thước của những người đang theo nghề ca trù hiện nay, nhưng điều đó tương đối khó. Khó nhất là sự cầu thị của họ. Một người đang đàn hát lâu nay, thậm chí có rất nhiều người thành danh với các giải thưởng, huy chương, được phong danh hiệu nghệ nhân, nếu mình bảo người ta đàn, hát sai khuôn khổ thì người ta không dễ chấp nhận đâu. Phải dũng cảm và cầu thị thì họ mới có thể sửa được.
- Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!