Lao động, việc làm thời vụ dịp gần Tết: Cung - cầu khó gặp
Đời sống - Ngày đăng : 20:29, 09/01/2021
Nỗi niềm từ hai phía
Ngày 9-1, trong vai người cần tìm lao động thời vụ, phóng viên Báo Hànộimới đến một số khu vực thường tập trung người lao động tự do trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu. Theo ghi nhận, nguồn cung về lao động năm nay tăng hơn so với những năm trước, nhưng người sử dụng lao động không dễ tìm được người làm phù hợp vì nhiều lý do.
Chờ việc tại khu vực đầu cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng), anh Nguyễn Văn Oánh, đến từ huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) cho biết, bản thân anh và đa số người chờ việc tại đây sẵn sàng làm nhiều công việc theo yêu cầu. Tiền công là 50.000-70.000 đồng/người/giờ, từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày, tùy từng công việc. Trong đó, những công việc có thể làm theo nhóm sẽ được người lao động ưu tiên lựa chọn.
“Công việc theo thời vụ hoặc theo giờ thường nặng nhọc, độc hại, tốn nhiều công sức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, chúng tôi đưa ra giá tiền công tương đối cao và muốn làm việc theo nhóm để có thể hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau”, anh Nguyễn Văn Oánh lý giải.
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, dù rất cần, nhiều gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không đủ khả năng chi trả tiền công theo yêu cầu của người lao động. “Gia đình tôi đang cần người dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Khi tôi đưa ra danh mục công việc cần làm, phía người lao động ước tính sẽ mất khoảng 70 giờ làm việc, tiền công là 4 triệu đồng. Số tiền này vượt quá khả năng chi trả của gia đình tôi ở thời điểm hiện tại, nên tôi sẽ tự làm”, chị Trần Thị Hà, trú tại ngõ 246, phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho hay.
Tương tự, ngoài thị trường tự do, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán thông qua các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm cũng khá sôi động. Tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội số 215 Trung Kính (quận Cầu Giấy), trung bình mỗi ngày có khoảng 30-40 đơn vị, doanh nghiệp đăng tuyển gấp lao động thời vụ.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần giao hàng Tiết kiệm chi nhánh Hà Nội đang cần tuyển 60 lao động, lương thỏa thuận; hệ thống Big C cần tuyển hơn 200 nhân viên bán hàng tại Hà Nội… Tuy vậy, các đơn vị, doanh nghiệp khó tuyển được lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Trần Thị Thu Hằng, cán bộ phụ trách công tác nhân sự Công ty TNHH xuất nhập khẩu Minh Tiến (đường Thái Hà, quận Đống Đa) cho biết, nguồn cung lao động cho thị trường việc làm tại Hà Nội dịp gần Tết chủ yếu là nhóm lao động phổ thông, từ địa phương khác đến, không thông thạo đường phố, ít kinh nghiệm làm việc... Còn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động dịp này thường tập trung ở lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, bán hàng, giao hàng…, đòi hỏi người lao động phải năng động, thông thạo đường phố, có kỹ năng giao tiếp với khách hàng… Vì thế, cung - cầu về lao động thời vụ vẫn khó gặp nhau.
Cẩn trọng để tránh rủi ro
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội), dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng khoảng 15-25% so với các thời điểm khác trong năm, tương ứng với hàng vạn vị trí việc làm đang cần người lao động.
Tuy nhiên, đặc thù của công việc thời vụ là làm trong khoảng thời gian ngắn, nên không phải đơn vị nào cũng yêu cầu người lao động trình đầy đủ giấy tờ tùy thân, tiến hành ký hợp đồng làm việc với người lao động... Phía người lao động thường có tâm lý chủ quan nên không tìm hiểu kỹ về người tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng cũng như công việc sẽ làm. Sự thiếu cẩn trọng này khiến cả hai bên dễ gặp rủi ro.
Rủi ro thường gặp nhất là người sử dụng lao động bị mất trộm những tài sản có kích thước nhỏ; còn người lao động bị mắc bẫy lừa đảo núp dưới hình thức tuyển dụng lao động. Sinh viên Lê Ngọc Hiển, khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Thành Tây) kể: “Thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi tin vào lời giới thiệu “việc nhẹ, lương cao, đi làm ngay” của một đơn vị tuyển dụng lao động qua mạng, nên đăng ký ứng tuyển. Theo yêu cầu từ phía tuyển dụng, tôi phải chuyển khoản 300.000 đồng để mua đồng phục, chuẩn bị đi làm. Chờ mãi không thấy phía nhà tuyển dụng gọi đi làm như lịch hẹn, tôi tìm hiểu kỹ mới biết bị lừa”.
Để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động thời vụ, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, dịp này, Trung tâm tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động thời vụ; đồng thời mở một số phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho nhóm lao động có nhu cầu đi làm thời vụ, làm bán thời gian. Ngoài ra, Trung tâm liên tục khuyến cáo người lao động và người sử dụng lao động nên kết nối cung - cầu thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Người lao động tuyệt đối không giao tiền, giấy tờ tùy thân cho những người không quen biết để xin việc…