Trồng cây phải thực chất
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 11/01/2021
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức... Mới đây, dự lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh đến tính thực chất của phong trào Tết trồng cây: Bảo đảm mỗi cây trồng được chăm sóc, phát triển tốt, tránh tình trạng cây trồng xong bị bỏ mặc, héo, chết vì không được chăm sóc, vừa lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời gian, công sức...
Nước ta vừa bước qua một năm đầy khó khăn không chỉ bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mà còn do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường diễn ra với tần suất cao và ngày càng khốc liệt hơn.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, năm 2020, dải đất hình chữ S đã hứng chịu 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất..., gieo bao tang thương cho người dân nhiều tỉnh miền Trung. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bất luận nguyên nhân trực tiếp là gì, chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt và “phải tiếp tục trồng cây, gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa”.
Một mùa xuân mới lại đến với “con Lạc, cháu Hồng”! Tết đến, Xuân về chúng ta lại thêm nhớ Bác, nhớ lời dạy của Người, càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng, cũng như bảo vệ rừng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Mùa xuân năm Canh Tý - 1960, Tết trồng cây đầu tiên được phát động.
Theo Bác: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều...”, “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây cối đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào cải thiện đời sống của nhân dân ta...” và “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia...”. Trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh là điều tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích; là việc cần thiết với tất cả mọi người. Căn dặn “trồng cây nào phải chắc cây ấy”, Người cũng chỉ ra rằng: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục...”. Với tầm nhìn xa rộng, Người mong muốn Tết trồng cây phải gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống của người dân.
Kể từ năm 1960 đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục, một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam. Thành công từ Tết trồng cây là rất lớn và mang nhiều ý nghĩa. Thế nhưng cũng có một thực tế là, trong một số dịp Tết trồng cây gần đây, có nơi trồng nhiều cây to, chuyển cây từ nơi khác đến trồng làm cây lưu niệm; có nơi cây trồng không sống được đến mùa phát động năm sau vì quên... chăm sóc. Thậm chí có rất nhiều việc phô trương, chạy theo thành tích làm mất đi giá trị tốt đẹp của phong trào Tết trồng cây...
“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày, càng xuân”! Câu thơ của Bác cũng là lời căn dặn. Phấn đấu đạt được mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 một cách thực chất, để Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021 phát huy hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, chúng ta cần một tư duy mới và hệ thống giải pháp căn cơ, bài bản hơn. Trong đó cần có những nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, xã hội của từng vùng, từng địa phương để có thể chọn tạo những loài cây, giống cây trồng phù hợp. Nhất là những giống cây bản địa gắn với hệ sinh thái tự nhiên; những loài cây có khả năng phục hồi, tái tạo rừng hoặc những loại cây phù hợp với đô thị... để góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, gìn giữ đất đai. Và đặc biệt là quy hoạch quỹ đất trồng cây, tạo không gian xanh trong quá trình phát triển đô thị hóa.
Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề với việc trồng cây, gây rừng cũng như cung cách ứng xử với thiên nhiên. Trồng, chăm sóc cây xanh là trách nhiệm của mỗi người. Trồng cây phải thực chất và Tết trồng cây phải trở thành hoạt động thực chất - một nét đẹp văn hóa mỗi khi Tết đến, Xuân về!