Vượt qua khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 12:08, 11/01/2021
Đó là những kết quả nổi bật được phản ánh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021, diễn ra ngày 11-1, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Hỗ trợ cho hơn 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Dấu ấn nổi bật trong năm 2020 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là toàn ngành đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
“Cả nước đã chi trả kinh phí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho hơn 13 triệu người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, giúp nhiều người, gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều phía, giúp hơn 1,3 triệu người có việc làm. Đối với lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan chức năng đã giải quyết đúng, đủ, kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 1,1 triệu lượt người với tổng số tiền hơn 18.200 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin.
Thực hiện mục tiêu xuyên suốt không để người dân nào bị ở lại phía sau trên chặng đường phát triển, các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được triển khai đồng bộ, tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân. Nhờ đó, dù gặp nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo vẫn đạt kết quả khả quan. Bằng chứng là, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước giảm từ 9,88% vào cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020; thu nhập bình quân của người nghèo trong năm 2020 cao gấp 2,3 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cả nước cơ bản không còn gia đình có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo…
Tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, vượt qua những khó khăn, thách thức, Hà Nội đạt những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Năm 2020, toàn thành phố giải quyết việc làm cho hơn 180.000 người, đạt 116% kế hoạch. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề cho 215.000 lượt người, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Hà Nội từ 67,5% vào cuối năm 2019 lên 70,25% vào cuối năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Công tác giảm nghèo xác lập kỷ lục mới khi toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo; 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Đáng mừng hơn, 100% gia đình người có công trên địa bàn Hà Nội có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư nơi cư trú.
Tương tự thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương, dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể có đóng góp tích cực cho công tác lao động, người có công và xã hội năm 2020.
Cần mở rộng đối tượng tiếp cận chính sách an sinh
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 66% lực lượng lao động trong độ tuổi (hiện nay là 64,5%), trong đó có 25,5% số người có bằng cấp, chứng chỉ (hiện nay là 24,5%); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1-1,5%; giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu người lao động…
Để đạt mục tiêu này, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả; phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động, bảo đảm việc làm bền vững, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai vừa bao trùm, vừa cụ thể, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự nỗ lực, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong những năm vừa qua; đồng tình, thống nhất cao với định hướng phát triển của ngành trong năm tới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cần quan tâm khắc phục của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đó là số lao động tham gia đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có kỹ năng trên thị trường lao động; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp; tỷ lệ thất nghiệp ở lực lượng lao động trẻ còn cao. Kết quả giảm nghèo có chỗ, có nơi chưa bền vững…
Để mọi người dân có điểm tựa, cơ hội vươn lên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát lại các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng.
Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng linh hoạt, đa tầng, mở rộng đối tượng tham gia, nhất là đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, ưu tiên hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đối tượng bảo trợ xã hội. Trước mắt, các ngành, địa phương chăm lo Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm nhà nhà vui đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.