Petrovietnam cần chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:59, 11/01/2021
Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí (có thời điểm tháng 4-2020, giá dầu xuống -37 USD/thùng).
Tuy nhiên, Petrovietnam đã có những hành động quyết liệt, kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả gói giải pháp ứng phó khủng hoảng kép do “đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu”. Nhờ đó, tập đoàn đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng năm 2020.
Cụ thể, PetroVietnam đã hoàn thành kế hoạch cả năm gia tăng trữ lượng dầu khí trước 6 tháng, năm 2020 đạt 15 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm là 10-15 triệu tấn quy dầu). Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 26 ngày, đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3. Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 17 ngày, đạt 1,8 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu toàn tập đoàn đạt 11,87 triệu tấn, vượt 0,5% kế hoạch năm. Sản xuất điện đạt 19,17 tỷ kWh.
Trong khi hoạt động của nhiều tập đoàn/công ty dầu khí trên thế giới thua lỗ lớn tới hàng chục tỷ USD, thậm chí phá sản, Petrovietnam là một trong số ít các công ty dầu khí có lợi nhuận khả quan. Cụ thể: Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 566 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước toàn tập đoàn đạt 83 nghìn tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Petrovietnam trong nhiều năm qua. Thủ tướng vui mừng chứng kiến sự trưởng thành của Petrovietnam đến thời điểm này đã có gần 60 ngàn cán bộ, nhân viên, kỹ sư, người lao động, vốn hóa ngày càng lớn, kết quả sản xuất kinh doanh tiếp tục được nâng cao. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến Petrovietnam.
Thủ tướng đánh giá cao 6 thành tựu lớn của Petrovietnam: Thăm dò, gia tăng trữ lượng đạt kết quả tốt, nhất là phát hiện một số mỏ mới, đảm bảo nhu cầu cung cấp khí đốt các tỉnh miền Trung trong thời gian dài và tiếp tục tìm kiếm, thăm dò những mỏ mới. Đảng ủy, lãnh đạo của tập đoàn đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thành viên, ổn định tình hình tập đoàn. Nhiều đơn vị thuộc tập đoàn hoạt động hiệu quả như PVGas, Việt Xô Petro, các nhà máy đạm…
Các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng mới, trạng thái bình thường mới trong phát triển, đây là một thành công lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, là sự chuyển mình mạnh mẽ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư, người lao động của Tập đoàn, Thủ tướng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, tập đoàn còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, khai thác. Hoạt động kinh doanh gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo được thực hiện tốt. Nộp ngân sách Nhà nước đứng thứ hai trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đời sống cán bộ, công nhân viên và cơ cấu tổ chức cơ bản ổn định. Petrovietnam là một tập thể đoàn kết, quyết tâm, nhiều cá nhân gương mẫu; làm tốt công tác xây dựng Đảng. Kết quả của Petrovietnam năm 2020 thể hiện khát vọng, ý chí của người Việt Nam.
Giao nhiệm vụ cho tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ Petrovietnam trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò nêu gương của lãnh đạo; không ngừng xây dựng đội ngũ; duy trì tốt sinh hoạt Đảng.
Về kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021-2025 của tập đoàn, Thủ tướng đề nghị Petrovietnam phát huy vai trò doanh nghiệp kiểu mẫu theo đúng phương châm: “Quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng” mà tập đoàn đề ra.
Cho rằng, Petrovietnam có điều kiện thuận lợi tạo ra các sản phẩm có thương hiệu mạnh, Thủ tướng cũng chỉ đạo tập đoàn xử lý tốt 5/12 dự án còn chậm chạp, chưa chuyển biến, chưa có giải pháp đột phá; mạnh dạn báo cáo Thủ tướng loại bỏ những dự án yếu kém. Cùng với đó là đẩy mạnh việc triển khai các dự án Nhóm A, còn chậm trễ.
Tập đoàn cũng cần tập trung giải quyết tình trạng cồng kềnh trong bộ máy, chưa được tái cấu trúc hợp lý, gọn nhẹ, hiệu quả trong tình hình mới. Theo đó, cần khẩn trương xem xét lại mô hình hoạt động của một số đơn vị thành viên, tránh trùng lặp để ổn định và phát triển. Việc sử dụng, bố trí cán bộ cần công tâm, đúng người, đúng việc, có tầm nhìn xa. Công tác chính trị, tư tưởng phải tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
Đi liền với đó là không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất; tận dụng tốt hiệu quả từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Bên cạnh đó là tiếp tục chú trọng phát triển mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga và các đối tác khác để tận dụng cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo an ninh, an toàn cho các đơn vị thi công.