Thúc đẩy chiến lược ''Nước Anh toàn cầu''
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 12/01/2021
Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi năm 2021 là năm cực kỳ quan trọng đối với nước Anh khi ông cố gắng chuyển hướng tập trung từ vấn đề Brexit sang một chương trình nghị sự mới với tư cách là chủ nhà của cả Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Ông chủ ngôi nhà số 10 phố Downing (London) - dinh Thủ tướng Anh, hy vọng sẽ nắm bắt cơ hội từ việc tổ chức hai sự kiện chính trị quốc tế quan trọng này để thúc đẩy hợp tác toàn cầu và củng cố uy tín của nước Anh.
Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến được tổ chức vào tháng 6-2021 để đưa ra giải pháp mang tính toàn cầu nhằm đối phó với dịch Covid-19, vạch ra chiến lược “xây dựng trở lại tốt hơn” cho thế giới và thể hiện sức mạnh của hệ thống quốc tế. Thủ tướng B.Johnson coi đây là cơ hội để gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới sau hơn một năm gián đoạn vì đại dịch để thúc đẩy một liên minh mới sau Brexit. Thủ tướng Anh cũng coi hội nghị này là bước đệm cho COP26 tại Glasgow (Scotland, thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) vào tháng 11-2021 với chương trình nghị sự thảo luận về tiềm năng kinh tế và khả năng tạo việc làm của việc phát triển công nghệ để đối phó với biến đổi khí hậu.
Khái niệm “Nước Anh toàn cầu” được bà Theresa May, người tiền nhiệm của Thủ tướng B.Johnson đưa ra từ năm 2017 với mục đích thúc đẩy lợi ích quốc gia và xây dựng một nước Anh với mạng lưới đối tác rộng khắp thế giới. Để triển khai chiến lược này, nhà lãnh đạo Anh đưa ra 5 ưu tiên chính. Thứ nhất là khẳng định lại sức mạnh của Anh với lập luận trong một thế giới quá nhiều biến động, nước Anh cần trở nên chủ động, quyết đoán hơn và cứng rắn hơn trước những vấn đề có thể đe dọa lợi ích, chủ quyền quốc gia. Còn theo lý giải của Thủ tướng B.Johnson, nước Anh giờ đã đứng ngoài EU và đến lúc quốc gia này cần thúc đẩy các chính sách an ninh theo hướng đi của riêng mình.
Ưu tiên thứ hai là đầu tư hợp lý cho các tham vọng chiến lược của xứ sở Sương mù. Những năm trước đây, Anh dành 2% thu nhập quốc dân cho quốc phòng và 0,7% cho Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tuy nhiên, trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc ngày một gia tăng, chính sách này cần được xem xét lại. Ngoài việc tăng ngân sách cho chi tiêu quốc phòng, London sẽ dành sự quan tâm vào các lĩnh vực công nghệ hàng đầu như năng lực mạng và không gian, trí tuệ nhân tạo, thành lập lực lượng an ninh mạng quốc gia ...
Thứ ba là kế hoạch tổ chức lại các cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển mới. Tiếp theo, nước Anh cần hình thành một tầm nhìn mới về châu Âu. Đây là điều được cho là cần thiết sau quá trình Brexit khiến cả Anh và EU đều ít nhiều bị tổn thương. Cuối cùng, Anh chủ trương thắt chặt mối quan hệ với các thành viên trong khối CANZUK (gồm Canada, Australia, New Zealand và Anh). Đây không phải một ý tưởng bất ngờ vì bên cạnh Mỹ, ba quốc gia trên đều là đối tác truyền thống của Anh. Bên cạnh đó, CANZUK nắm giữ gần 10% của cải thế giới, có tổng thu nhập hơn 7,7 nghìn tỷ USD/năm.
Theo các nhà bình luận, tất cả mục tiêu London đề ra nhằm bảo đảm nước Anh hậu Brexit sẽ đóng vai trò một “người chơi chính” trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Điều này cũng giúp củng cố lập luận của phe ủng hộ Brexit rằng quyết định rời khỏi EU là bước đi có lợi về mọi mặt.