Điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài

Kinh tế - Ngày đăng : 07:24, 12/01/2021

(HNM) - Bước sang năm 2021, nền kinh tế dù vẫn đứng trước không ít khó khăn nhưng xu hướng phục hồi, bứt phá đang ngày càng hiện diện rõ hơn. Trong đó, hoạt động đầu tư nước ngoài được đánh giá là sẽ thay đổi nhanh chóng, để đón nhận kết quả mới theo hướng tích cực cũng như khẳng định Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn đối với nguồn vốn này.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ nhựa tại Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long).

Năm 2020, cả nước thu hút được hơn 28,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 25% so với kết quả năm 2019. Đây là mức hoàn toàn có thể chấp nhận trong hoàn cảnh diễn biến đầu tư toàn cầu rất trầm lắng và hầu hết các đối tác chủ yếu của Việt Nam rơi vào tình thế suy giảm kinh tế và suy tính hơn trong quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, trong khi các nước khác rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh thì Việt Nam đã vượt lên một cách ngoạn mục, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với giới đầu tư. Tương tự, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ cũng khẳng định Việt Nam vẫn là địa chỉ ưu tiên trong khu vực Đông Nam Á để triển khai các dự án trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Năng lượng AES (Hoa Kỳ) đang tập trung nghiên cứu khả năng đầu tư hàng tỷ USD để triển khai dự án nhập khẩu khí hóa lỏng và xây dựng nhà máy điện tại Việt Nam. Như vậy, có thể nhận định giới đầu tư quốc tế đang ráo riết thực hiện các bước chuẩn bị để hiện thực hóa những dự án đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận tại Việt Nam; nhất là trong giai đoạn “hậu Covid-19”. Bên cạnh đó, hầu hết sự quan tâm của giới đầu tư đều tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có sức lan tỏa và giá trị to lớn, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế như năng lượng, hạ tầng, công nghiệp chế biến chế tạo... Những thực tế đó là nền tảng, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng hiện đại, để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, một khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giao thương sẽ thuận lợi hơn và đó sẽ là lúc nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định đầu tư thông qua những hình thức khác nhau. Không chỉ đầu tư trực tiếp mà đầu tư gián tiếp cũng sẽ kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới. Hơn nữa, qua đợt dịch cũng là thực tế để giới đầu tư nhìn nhận lại hoạt động đầu tư và thực hiện việc dịch chuyển, phân bổ vốn trên phạm vi toàn cầu một cách hợp lý và điều chỉnh lại chiến lược đầu tư dài hạn.

Việc thực hiện đa dạng hóa địa bàn đầu tư, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” ngày càng trở nên phổ biến, rõ ràng trong cách quyết định triển khai dự án đầu tư toàn cầu của giới đầu tư quốc tế. Điều đó càng có lợi cho Việt Nam... Trong vài tháng qua, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang thực hiện việc chuyển dự án từ nước khác sang Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như để hưởng tiềm năng to lớn của thị trường gần 100 triệu dân. Hơn thế, giới đầu tư ngoại muốn tranh thủ thời gian, tối đa hóa lợi ích thông qua khai thác lợi thế của Việt Nam khi thực hiện nội dung các hiệp định thương mại tự do, chủ yếu là ưu đãi vượt trội về thuế quan đối với hàng xuất khẩu xuất xứ Việt Nam...

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu xuyên suốt, lâu dài và cần những điều kiện thuận lợi cả về chủ quan, khách quan. Việt Nam đang cải thiện mạnh mẽ hơn về môi trường đầu tư cũng như duy trì sự nhất quán trong triển khai thực hiện để không chỉ thu hút thêm nhiều vốn mà còn nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài.

Hồng Sơn