Năm 2020: Số thông tư giảm mạnh, tỷ lệ phản hồi doanh nghiệp đạt 55%

Kinh tế - Ngày đăng : 11:53, 12/01/2021

(HNMO) - Ngày 12-1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2020”, nhằm điểm lại diễn biến, kết quả cũng như kiến nghị về công tác cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thời gian tới.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trình bày Báo cáo. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Kết quả này trước hết là do sự điều hành tỉnh táo, có hiệu quả của Chính phủ; nhất là công tác cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phù hợp, hiệu quả; vượt qua khó khăn trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19...

Năm qua, cơ quan chức năng đã ban hành 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định của Thủ tướng, 310 thông tư. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh. Thực tế này cho thấy, chất lượng công tác xây dựng thể chế, chất lượng các quy định pháp luật nói chung được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn; dẫn đến việc không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ...

Các bộ đã ban hành 95 văn bản để cụ thể hóa, triển khai các luật, quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Năm qua, Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt để tổng rà soát, cắt giảm những quy định bất hợp lý... Năm 2020 cũng ghi nhận sự cầu thị, tiếp thu và phản hồi những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp của cơ quan chức năng và việc bãi bỏ 7 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ tiếp thu và phản hồi ý kiến của doanh nghiệp là 55%, cao hơn 10% so với năm trước.

Tuy nhiên, công tác xây dựng văn bản pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn bộc lộ những hạn chế. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), đó là tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng, gây cách hiểu khác nhau trong quy định, quy định bất hợp lý và vướng mắc trong thực hiện. Đơn cử, có trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu phải trình bày phương án kinh doanh với cơ quan chức năng; cách hiểu thiếu thống nhất giữa các bên về sự phân biệt giữa dược liệu và thực phẩm...

Việc kiểm tra, thanh tra cũng diễn ra phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp. Không ít trường hợp cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến, sau đó có văn bản giải đáp nhưng không giải quyết tận gốc... Từ đó, vấn đề đặt ra là tiếp tục cải cách mạnh hơn, với tinh thần quyết liệt để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Bên cạnh đó cần có cách tiếp cận công tâm và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, theo thông lệ quốc tế để đưa ra những quy định thông thoáng, đúng đắn; từ đó phục vụ doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Theo đó, VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, nhận diện rào cản và đề xuất các ý kiến cũng như đề nghị bãi bỏ những quy định, văn bản bất hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hồng Sơn