Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 13/01/2021
Cơ hội xen lẫn thách thức
Báo cáo tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vào cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, năm 2020, GRDP thành phố tăng 1,39%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,1% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 371.384 tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 4,36 tỷ USD…
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin thêm, năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đạt được “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2020 được xem là năm thành công nhất của thành phố trong 5 năm qua. “Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như: Một số ngành công nghiệp, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm so cùng kỳ năm 2019; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Năm 2021, bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều yếu tố khó dự báo do dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, theo đó sẽ còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy vậy, năm 2021 được dự báo là năm có sự dịch chuyển lớn các dòng đầu tư trên thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Triển khai 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm 2021 trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức mới. Năm 2021, thành phố đề ra 20 chỉ tiêu, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt từ 6% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP…
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để nắm bắt cơ hội dịch chuyển các dòng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng và công bố các dự án kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực cụ thể. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính để giảm thời gian và chi phí giải quyết hồ sơ; xây dựng các cơ chế liên thông, cải thiện môi trường đầu tư…
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, ngành Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong tháng 1-2021, thông qua gói tín dụng ưu đãi cho cả năm 2021.
Để hoàn thành 20 chỉ tiêu của năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 cùng với phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có hiệu quả ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2021; tập trung xây dựng chính quyền đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện thành công chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” theo phương châm hành động của Chính phủ đề ra là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”.
“Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch của UBND thành phố tại địa phương, đơn vị phụ trách. Cơ quan, đơn vị, ngành nào để người dân, doanh nghiệp phản ánh phải chờ đợi lâu, bị phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hành chính, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.