Các đại dương nóng nhất trong lịch sử vào năm 2020
Công nghệ - Ngày đăng : 07:49, 14/01/2021
Theo The Guardian ngày 13-1, các đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt do khí thải CO2 tạo ra, khiến thực trạng đại dương ấm lên là việc không thể phủ nhận. Giới khoa học phát hiện tốc độ ấm lên của các đại dương kể từ năm 1986 cao gấp 8 lần so với giai đoạn từ năm 1960 đến 1985.
Tình trạng các vùng biển tăng nhiệt độ cũng khiến các cơn bão trở nên nguy hiểm hơn. Không chỉ vậy, sức nóng cũng khiến mực nước biển dâng cao, dự kiến sẽ dâng khoảng 1m vào cuối thế kỷ này, đe dọa đến đời sống của 150 triệu người trên toàn thế giới.
Giáo sư John Abraham tại Đại học St Thomas (Mỹ) nhận định, đại dương ấm lên cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu không suy giảm, tác động đến các hệ sinh học của Trái đất cũng như xã hội loài người.
Các đại dương bao phủ 71% diện tích Trái đất và nước có thể hấp thụ nhiệt gấp hàng nghìn lần không khí. Đó là lý do tại sao 93% lượng nhiệt toàn cầu được hấp thụ bởi đại dương. Nhưng nhiệt độ không khí bề mặt Trái đất, thứ ảnh hưởng trực tiếp nhất đến con người, cũng tăng kỷ lục vào năm 2020.
Cụ thể, nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu vào năm 2020 cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gần ngưỡng 1,5 độ C mà các quốc gia trên thế giới đặt ra để tránh những tác động tồi tệ nhất.
Các đợt phong tỏa trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã cắt giảm lượng khí thải CO2 khoảng 7%. Dù vậy, mức giảm kỷ lục này gần như không làm thay đổi tổng lượng khí CO2 trong khí quyển và Trái đất sẽ tiếp tục ấm lên khi loại khí này tiếp tục được thải vào không khí. Đây là một lời nhắc nhở về sự cấp thiết của việc nhanh chóng giảm lượng khí thải CO2 trong vài năm tới.