Liên hợp quốc cảnh báo thế giới thích ứng chậm với biến đổi khí hậu
Công nghệ - Ngày đăng : 22:19, 14/01/2021
Báo cáo của UN được công bố ngày 14-1 cho thấy, gần ba phần tư các quốc gia trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của việc lập kế hoạch ứng phó với những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dành cho những kế hoạch này ở mức thấp và chỉ có một số quốc gia đã có hành động phù hợp.
Theo UN, ngân sách dành cho các biện pháp ứng phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt không bắt kịp tình hình thực tế. Cụ thể, chỉ khoảng 30 tỷ USD, chưa bằng một nửa mức ước tính cần thiết 70 tỷ USD hiện nay, đã được chi mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia nghèo đối phó với khủng hoảng khí hậu. Dự kiến, con số này sẽ tăng thành 140 tỷ USD đến 300 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, khoảng một nửa nguồn tài chính về khí hậu toàn cầu nên được dành cho việc thích ứng, phần còn lại sẽ dành cho nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, trong khi nhiều công ty tư nhân thường sẵn sàng tài trợ cho các dự án giảm phát thải, thì các dự án giúp con người thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu thường gặp khó khăn về tài chính.
UN cũng cảnh báo, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia sẽ phải vật lộn để tìm các nguồn lực thích ứng. Về lâu dài, hậu quả của đại dịch có nguy cơ làm gia tăng áp lực tài chính công và có thể khiến nhiều quốc gia phải thay đổi ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nếu ưu tiên “phục hồi xanh” trong gói kích thích kinh tế, các quốc gia sẽ có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Các nhà nghiên cứu kinh tế nhận định, những biện pháp tăng cường khả năng ứng phó với tác động của khủng hoảng khí hậu, bao gồm trồng cây xanh, xây dựng hệ thống ngăn lũ, khôi phục cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ và nâng cấp cơ sở hạ tầng như mạng lưới giao thông và thông tin liên lạc, đều có thể hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Cơ hội này sẽ bị bỏ lỡ nếu các quốc gia vẫn duy trì những gói giải cứu kinh tế vốn không tập trung vào "phục hồi xanh".