Khuyến khích người dân tham gia tố giác trường hợp nhập cảnh trái phép
Đời sống - Ngày đăng : 16:28, 14/01/2021
5 tháng liên tiếp, Hà Nội không có ca Covid-19 trong cộng đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu khả quan. Trung bình mỗi ngày qua đi, thế giới ghi nhận thêm khoảng 652.000 ca mắc mới và 11.205 ca tử vong do Covid-19.
Riêng tại nước ta, từ ngày 8-1 đến 14-1, ghi nhận thêm 14 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh từ nước ngoài về. Còn tại Hà Nội đã qua 150 ngày liên tiếp (khoảng 5 tháng) không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc mới tại cộng đồng.
Dù vậy, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dự báo tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn giai đoạn trước. Do đó, nguy cơ về dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết, tình hình người nhập cảnh trái phép gia tăng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 117 trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Tất cả trường hợp này được chuyển đến cách ly và lẫy mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 102/117 trường hợp đã kết thúc cách ly, còn 15 trường hợp đang được cách ly.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Hạnh cũng yêu cầu, Ban Quản lý và điều hành các khu cách ly tập trung trong quân đội và khu cách ly tại các khách sạn cần tuân thủ tốt các quy trình về cách ly người nhập cảnh. Bởi qua kiểm tra vẫn còn tình trạng, nhân viên tại khu cách ly (dù có đeo khẩu trang) tiếp xúc với ca dương tính. Người từ phòng cách ly này đi sang phòng cách ly khác...
"Không chỉ các khu cách ly, tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trên các phương tiện giao thông, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh... cũng cần thực hiện nghiêm việc phòng dịch, không được lơ là một phút giây nào", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, báo cáo của đại diện các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Ba Đình cho thấy, tại các địa phương đã đẩy mạnh việc xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành xử phạt hơn 500 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền hơn 107 triệu đồng. Quận Nam Từ Liêm cũng đã xử phạt các cá nhân, đơn vị vi phạm phòng dịch với số tiền hơn 200 triệu đồng. Còn tại quận Ba Đình đã kiểm tra 23 trường học trên địa bàn, qua đó kịp thời chấn chỉnh việc tuân thủ đeo khẩu trang khi đến trường của học sinh...
Cùng với đó, các quận đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Lễ hội, sự kiện phải bảo đảm an toàn mới được tổ chức
Trên địa bàn thành phố có 1.200 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ. Hầu hết các lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân. Để các lễ hội diễn ra an toàn, bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, lễ hội thuộc quận, huyện, thị xã nào thì chủ tịch UBND nơi đó quyết định về quy mô tổ chức và chịu trách nhiệm.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện gửi báo cáo đăng ký về quy mô tổ chức lễ hội và kế hoạch triển khai các biện pháp phòng dịch Covid-19. Thế nhưng, hiện nay mới có 16/30 quận, huyện, thị xã gửi báo cáo.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, các địa phương muốn tổ chức các sự kiện, lễ hội đều phải thực hiện việc đăng ký. Cùng với việc đăng ký, các địa phương phải xây dựng kế hoạch và có phương án tổ chức phòng dịch cụ thể. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đạt mới cho tổ chức.
Từ nguy cơ dịch lây lan từ người nhập cảnh hợp pháp và trái phép ra cộng đồng, ông Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu, tất cả trường hợp nhập cảnh phải bảo đảm cách ly đủ 14 ngày. Kết thúc thời gian cách ly, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phải thông báo với các địa phương tiếp tục triển khai việc giám sát các trường hợp này thêm 14 ngày khi họ trở về nhà, đồng thời phải tiến hành xét nghiệm lần thứ ba mới bảo đảm yên tâm. Không chỉ các trường hợp nhập cảnh trái phép từ nước ngoài, thành phố cần phát hiện sớm những trường hợp nhập cảnh trái phép từ các địa phương khác đến. Vấn đề này cần sự vào cuộc của các tổ dân phố, khuyến khích người dân tham gia tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Đề cao vai trò người đứng đầu...
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, sự thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đóng góp rất lớn vào thành công chống dịch của Việt Nam. Hiện, nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc... từng triển khai phòng dịch tốt như nước ta hiện nay cũng đã tái bùng phát dịch. Nguyên nhân do họ không làm tốt việc cách ly, phong tỏa và dập dịch. Thêm vào đó, khi xuất hiện biến thể của vi rút, tốc độ lây lan mạnh lên. Thế nhưng, nếu chúng ta làm tốt, không để xảy ra ca mắc trong cộng đồng thì không đáng lo ngại.
"Việt Nam có 4 đơn vị sản xuất vắc xin, đồng thời chúng ta đang tích cực triển khai nhập khẩu vắc xin. Thế nhưng, dự kiến đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới có thể đưa vắc xin vào sử dụng. Do đó, biện pháp phòng dịch chủ yếu hiện nay vẫn chưa thay đổi, đó là ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng và dập dịch. Ngoài ra, mỗi người cần tuân thủ thông điệp 5K", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố, đồng thời yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Nhấn mạnh đến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và quay trở lại trong cộng đồng, đồng chí Chử Xuân Dũng một lần nữa đề nghị, các sở, ban, ngành cùng các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch và đặc biệt nêu cao vai trò người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện công tác trên.
Đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu, các quận, huyện, thị xã tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, khu di tích, ngoài đường, chợ, siêu thị... Bởi qua kiểm tra vẫn còn tình trạng, chính quyền địa phương thực hiện rất nghiêm túc việc phòng, chống dịch nhưng người dân khi qua khu vực kiểm soát vẫn tự ý tháo khẩu trang. Đặc biệt, phát động phong trào quần chúng, huy động mặt trận và các đoàn thể tại cơ sở, đề nghị mỗi người dân, từng gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động phát hiện, thông tin về các trường hợp nhập cảnh trái phép. Cụ thể, tuyên truyền tới từng tổ dân phố, khu dân cư để mỗi người dân trên địa bàn thành phố như là "một chiến sĩ trinh sát", nhằm phát hiện và tố giác những trường hợp không chấp hành việc phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, nhất là phát giác các đối tượng nhập cảnh trái phép. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra trên địa bàn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Riêng Sở Y tế, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát. Cùng với đó, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị thực hiện nghiêm cách ly tập trung nhằm tránh xảy ra trường hợp như tại huyện Chương Mỹ vừa qua.
Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng đề nghị Công an thành phố kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với các đơn vị quản lý chặt chẽ, không để lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Về công tác bảo đảm an toàn tại Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết, hiện tại, CDC Hà Nội đã sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực bảo đảm công tác phòng dịch, lấy mẫu xét nghiệm phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Vào 8h ngày 18-1, CDC Hà Nội sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 4.200 người tham gia Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trước 2 ngày diễn ra Đại hội sẽ tiến hành xét nghiệm lần 2.