Chữ tín là trên hết

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:05, 15/01/2021

(HNMCT) - Chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Từ nhiều năm nay, thời gian nghỉ lễ là dịp để nhiều gia đình cùng nhau thực hiện những chuyến du ngoạn thay vì quanh quẩn tại nơi sinh sống trong suốt kỳ nghỉ như trước. Bởi thế, đây cũng là cơ hội mà ngành Du lịch cần nắm chắc, có kế hoạch tốt để vừa phục vụ nhân dân chu đáo vừa kinh doanh một cách hiệu quả.

Sau “năm Covid” 2020, hiện thị trường du lịch càng rõ sự chuyển hướng với mục tiêu chính là thị trường trong nước. Thực tế cho thấy điều này, khi rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã công bố chương trình phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tour đón xuân 2021 phong phú, đa dạng, đích đến có thể là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vùng cao Tây Bắc, miền Duyên hải Đông Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, là các tỉnh Tây Nguyên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc... Hiển nhiên là thị trường trong nước mang đến cho du khách nhiều lựa chọn, chịu khó “săn” thì có thể có được chuyến xuất hành đầu năm hanh thông, vui vẻ.  

Nhưng trong hy vọng cũng cần nhìn rõ mối lo tiềm tàng để từ đó cân nhắc giải pháp nhằm bảo đảm mùa du lịch Tết Nguyên đán 2021 diễn ra trong an toàn, nhà nhà vui vẻ. Mối lo đó bắt nguồn từ khả năng lượng khách du lịch tăng đột biến trong cùng một thời điểm ở một nơi, dẫn đến “vỡ trận”, đặc biệt là tại những điểm “không thể không đến” tại Hà Nội, Sa Pa, thành phố Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu... Khách cùng dồn về một nơi thì không chỉ các đơn vị lữ hành gặp khó mà ngành Hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại điểm đến cũng khổ. Sự khổ sở không hẳn vì mong muốn có doanh thu cao, mà là áp lực về khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vốn ngày càng quen với hình thức tour trọn gói giá rẻ gắn liền với chủ trương kích cầu. Đó là chưa kể sự quá tải dẫn đến mối lo về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bởi vậy, bên cạnh việc xây dựng tour với giá cả hợp lý, các đơn vị du lịch không thể lơ là nhiệm vụ đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, qua đó bảo vệ uy tín, thương hiệu. Đưa ra mức giá tour thấp để tăng sức hút là tốt, nhưng đó không hẳn là giải pháp duy nhất để nâng cao sức cạnh tranh. Thực tế các đợt kích cầu du lịch trong năm 2020 cho thấy, đã có chuyện đơn vị lữ hành vì muốn thu hút khách nên đưa ra mức giá tour rất thấp, sau đó tìm nhiều cách để giảm chi phí - bảo đảm lợi nhuận, đồng nghĩa với giảm chất lượng sản phẩm du lịch.

Hãy tưởng tượng khi du khách chọn mua một tour 3 ngày/2 đêm từ một địa phương phía Bắc tới nơi nào đó ở Khánh Hòa, Lâm Đồng hay Phú Quốc... với hy vọng có được trải nghiệm vui vẻ trong quỹ thời gian mà phía bán tour đưa ra. Nhưng thực tế có thể khác với những gì mà du khách hình dung qua nội dung quảng cáo nếu không may trong ngày thứ nhất máy bay cất cánh vào cuối chiều, và hành trình trở về bắt đầu sau bữa trưa ngày thứ 3 trong lịch trình. “Chuyến bay giá rẻ” sẽ delay bao nhiêu lần, trong bao lâu? Chất lượng dịch vụ có được như nội dung quảng cáo? Bạn sẽ có đủ 3 ngày/2 đêm đúng nghĩa thanh nhàn hay tất bật trong suốt hành trình?...

Hiện các tour du lịch thường được xây dựng dựa trên sự phối hợp của phía hàng không, lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ, giải trí tại điểm đến. Bởi thế, để khách hàng có thể hài lòng sau chuyến đi dù họ lựa chọn tour giá rẻ hay “đắt”, các bên liên quan nói trên đều cần đề cao trách nhiệm làm tốt phần việc của mình, cùng hướng tới mục tiêu bảo đảm chất lượng dịch vụ, giữ chữ tín ngay cả khi hạ giá sản phẩm. Chúng ta cũng cần một cơ chế hậu kiểm linh hoạt, khách quan, công bằng để ngăn chặn những công ty lữ hành quảng cáo tour thì hay mà thực hiện lại dở, có thái độ gian dối đối với khách hàng và làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành Du lịch nói chung. Đó là cách ứng xử văn minh, công bằng với các bên liên quan và với du khách.

Tết Nguyên đán đã ở trước mắt. Chỉ mong ngành Du lịch có khoảng đầu năm mới hanh thông, du khách muôn nơi đều hài lòng, muốn tiếp tục cùng đồng hành chia sẻ khó khăn với ngành công nghiệp không khói.

Hoàng Lê