Hướng tới một hạ tầng giao thông đô thị hiện đại

Giao thông - Ngày đăng : 16:10, 15/01/2021

(HNNN) - Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng lượng dân cư đổ về Hà Nội ngày một nhiều đang khiến hạ tầng giao thông đô thị quá tải. Làm thế nào để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội:
Ðiều chỉnh để phục vụ nhân dân tốt hơn

Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông phần nhiều do lượng người và phương tiện tăng gây sức ép lên hạ tầng giao thông. Như vừa qua, khi triển khai một số tuyến đường giao thông quan trọng (đơn cử như đường vành đai 2 nối Ngã Tư Sở - Trường Chinh) đã nảy sinh ùn tắc cục bộ. Khi tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi nhận thấy, việc tính toán chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trước đây là hợp lý, nhưng nay có nhiều thay đổi với nhiều khu chung cư, lượng phương tiện tăng nên đã nghiên cứu kịp thời điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp tại khu vực... Cụ thể, trên đường Trường Chinh hướng về Láng, thời gian đèn xanh bật đã được tăng lên 95 giây, đèn đỏ giảm còn 60 giây để các phương tiện di chuyển hợp lý hơn. Từ việc trên, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh trên một số tuyến đường sao cho phù hợp.

Mục tiêu chương trình giảm ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội là giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn, giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trên cả ba tiêu chí, tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân... cơ bản đã hoàn thành. Sắp tới, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhằm làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Chính vì thế, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tạo thói quen ứng xử văn minh, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật như một chuẩn mực đạo đức... góp phần cùng cơ quan chức năng giảm ùn tắc giao thông.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội):
Tăng cường giải pháp, sử dụng phương tiện hiện đại để giảm ùn tắc giao thông

Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã tiến hành dán thông báo “phạt nguội” trên đường, tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, thông báo những trường hợp vi phạm giao thông về nơi cư trú và cho cơ quan đăng kiểm từ Trung tâm Chỉ huy giao thông... Các biện pháp này đều đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân. Để hướng tới một nền tảng giao thông văn minh, hiện đại, tôi cho rằng cần chú trọng từ những việc cụ thể như nâng cao tinh thần trách nhiệm của cảnh sát giao thông trong việc điều tiết, phân làn giao thông; tuyên truyền, xử lý hiện tượng vi phạm quy định về giao thông ngày càng chuyên nghiệp.

Điều tiết giao thông từ Trung tâm chỉ huy đèn tín hiệu giao thông (Công an thành phố Hà Nội).

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải):
Cần một giải pháp đồng bộ

Giải pháp cho một đô thị hiện đại là phải hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, bao gồm đường trên cao lẫn đường hầm với nhiều loại hình giao thông đường sắt đô thị, phương tiện công cộng cùng tham gia. Hiện tại, chúng ta đang hướng tới lộ trình giảm thiểu xe cá nhân và đang hoàn thiện các công trình đường trên cao. Đây là một hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, từ thực tế, có thể thấy việc xây dựng đường trên cao nhưng hai nút đầu chưa hoàn thành về hạ tầng cũng như tổ chức giao thông tốt đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Dòng xe dồn xuống gây ùn ứ giống như dòng nước đổ xuống một chỗ mà không rút kịp.

Từ thực tế tại tuyến đường trên cao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Giải Phóng, nên chăng, đường trên cao tại nội đô cũng nên bổ sung một làn cho xe máy vì thực tế tại Hà Nội hiện nay, xe máy còn là phương tiện giao thông phổ biến. Dành một làn cho xe máy và xe thô sơ thì sẽ giảm được tình trạng ùn ứ. Bên cạnh đó, chúng ta cần kết hợp thực hiện các giải pháp khác như: Thêm giao thông tĩnh, thêm đường, thêm cầu vượt, đường sắt trên cao, di chuyển nhiều cơ quan trường học ra xa trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh hiện đại, hiện đại hóa công tác quản lý giao thông... Đặc biệt, trong lúc chờ giải pháp tối ưu để chống ùn tắc, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người tham gia giao thông tuân thủ luật hiện hành... Có như vậy thì mới có thể giải quyết tốt vấn nạn ùn tắc giao thông.

Anh Bùi Duy Khanh, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hoàng Liệt, Đội trưởng Đội “Giao thông xanh” quận Hoàng Mai:
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên

Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hoàng Mai về thực hiện “Năm An toàn giao thông 2021”, thanh niên quận Hoàng Mai kiên quyết không để khu vực cửa ngõ quan trọng của Thủ đô trở thành “điểm nóng” về giao thông và an ninh trật tự. Để hạn chế nạn ùn tắc giao thông, Đoàn Thanh niên quận Hoàng Mai đã thành lập Đội “Giao thông xanh” với mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc giữ gìn trật tự, bảo đảm an toàn, góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Cụ thể, đội hình “Giao thông xanh” của Quận đoàn Hoàng Mai đã có mặt tại các điểm nút giao thông trọng điểm để cùng phối hợp với các lực lượng chức năng phân làn, phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông. Hoạt động của đội hình “Giao thông xanh” được Quận đoàn Hoàng Mai triển khai đồng bộ và có tính kỷ luật cao. Các thanh niên tình nguyện sẽ làm việc 2 ca/ngày, từ 6h30 đến 8h30 và từ 16h30 đến 18h30 tại các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn quận. Đặc biệt, mỗi đoàn viên, thanh niên trong đội đều ý thức được rằng, xây dựng một tuyến phố văn minh không có ùn tắc, không có cảnh người chen lấn, xe máy đi vào làn ô tô và ngược lại sẽ góp phần làm cả thành phố văn minh.

Dương Hiệp