EVNNPC phấn đấu trở thành doanh nghiệp số ngang tầm khu vực vào năm 2025

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:14, 15/01/2021

Với quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã thực hiện tốt chủ đề “Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016-2020”; bảo đảm điện an toàn, tin cậy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ông Thiều Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Đỗ Nguyệt Ánh, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVNNPC đồng chủ trì hội nghị.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song mức tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC đạt cao nhất trong khối các tổng công ty phân phối, với 74,86 tỷ kWh, tăng 6,76% so với năm 2019. Đặc biệt, tỷ trọng sản lượng điện dành cho công nghiệp chiếm 66%, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP của đất nước. Tổn thất điện năng EVNNPC năm 2020 đạt 4,83%, giảm 0,15% so với chỉ tiêu EVN giao và vượt chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm (4,85%).

Công tác đầu tư xây dựng, lũy kế đến ngày 31-12-2020, Tổng công ty đã khởi công 82/65 công trình, đạt 126% kế hoạch năm và đóng điện 84/81 công trình, đạt 103,7% kế hoạch năm. Một số dự án quan trọng tiêu biểu là: ĐZ và TBA Tĩnh Gia 2; Nghi Xuân; KCN Khai Quang; Đường dây 110kV từ TBA 220kV Bắc Ninh 2-VT75; Đường dây và TBA 110kV Lục Ngạn; Dự án cải tạo ĐZ 110kV Quỳnh Lưu - Quỳ Hợp.

Ông Thiều Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC phát biểu tại hội nghị.

Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tất cả 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng trong giai đoạn 2016-2020 đều đạt so với quy định. Trong giai đoạn 2016-2020, EVNNPC cũng đã nỗ lực thực hiện đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo theo chương trình mục tiêu quốc gia cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo...; cụ thể, có 244/245 huyện có điện, đạt 99,6%.

Xác định năm 2021 là năm hết sức quan trọng khi cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và là năm khởi đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, EVNNPC đặt mục tiêu tiếp tục đáp ứng đủ điện, với chất lượng kỹ thuật cao, dịch vụ tốt, cạnh tranh, tiết kiệm chi phí; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và năng suất lao động dựa trên nền tảng số. EVNNPC phấn đấu trở thành doanh nghiệp số ngang tầm khu vực vào năm 2025, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.  

Ông Thiều Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Đỗ Nguyệt Ánh, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVNNPC trao Cờ thi đua của Tổng công ty cho Công ty Điện lực Hưng Yên.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, năm 2021 sẽ quyết tâm tập trung hoàn thành và đạt các chỉ tiêu của EVN giao; triển khai ngay việc giao kế hoạch năm 2021 cho các đơn vị nhằm chủ động trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh; tập trung triển khai chuyển đổi số, đẩy nhanh quá trình điện tử hóa hệ thống đo đếm, chu trình tự động hóa lưới điện, tăng cường nghiên cứu sáng tạo ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Tập đoàn và Tổng công ty trong việc tuân thủ các quy trình, quy định trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, kinh doanh, kiểm soát xuất vốn đầu tư, đơn giá đầu tư thiết bị, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định đầu tư xây dựng về nghiệm thu và quản lý vận hành.

Cùng với đó, duy trì và phát huy các hình thức khen thưởng kịp thời để động viên tập thể và các cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện chấm điểm và hoàn thành nhiệm vụ chi trả lương theo hiệu quả công việc.

Một số chỉ tiêu của EVNNPC trong năm 2021:

- Điện thương phẩm đạt 80 tỷ kWh;

- Tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 40%;

- Tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt 85% trở lên;

- Tổn thất điện năng 4,55%;

- Năng suất lao động theo thương phẩm: 3,46 triệu kWh/lao động;

- Năng suất lao động theo khách hàng: 464 khách hàng/lao động;

- Giá trị đầu tư xây dựng: 17.379 tỷ đồng;

- Về công tác chuyển đổi số: Trong năm 2021, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số dựa trên các chương trình:

+ Số hóa toàn bộ tài sản lưới điện thông qua hệ thống quản lý lưới điện trên bản đồ (GIS);

+ Số hóa toàn bộ các quy trình nội bộ theo các mảng công việc;

+ Các dự án tự động hóa lưới điện.

Thanh Hải