Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia vì Việt Nam phát triển
Xe++ - Ngày đăng : 19:02, 16/01/2021
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, năm 2021 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia toàn dân và toàn diện, với phương châm hành động "Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá" và quyết tâm “việc 5 năm làm trong 1 năm” để góp phần làm cho Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Theo đó, dịch vụ bưu chính truyền thống được chuyển dịch sang dịch vụ bưu chính số. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử; tốc độ tăng trưởng các dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử ít nhất 30%...
Hạ tầng viễn thông chuyển dịch thành hạ tầng số phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy thương mại 5G với các thiết bị sản xuất trong nước theo đúng lộ trình; đề xuất cơ chế thúc đẩy phát triển các dịch vụ mới, như Mobile Money, các hạ tầng số mới như định danh điện tử, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo.
Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là: Phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; tiếp tục chú trọng cải thiện xếp hạng quốc gia về chính phủ điện tử, chính phủ số; nghiên cứu xây dựng các chính sách về dữ liệu mở...
Đặc biệt, hỗ trợ hình thành ít nhất 3 đô thị thông minh, tiến tới hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) và triển khai phủ sóng 5G tại các đô thị này.
Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Chuyển từ tư duy "bảo đảm an toàn, an ninh mạng" sang tư duy "bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam"; bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp. Giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phục vụ phát triển chính phủ điện tử.
Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm không chỉ cho thị trường trong nước, mà cả thị trường quốc tế. Đưa vào vận hành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam liên kết với Diễn đàn kinh tế thế giới...
Báo chí, truyền thông phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.