Hà Nội nỗ lực xử lý ùn tắc giao thông

Giao thông - Ngày đăng : 07:07, 16/01/2021

(HNM) - Năm 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xử lý 8-10 điểm ùn tắc giao thông còn tồn tại của năm 2020, đồng thời hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới... Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp như: Mở rộng mặt đường, xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu và nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, lắp đặt hệ thống camera giám sát...

Ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp

Nhiều tháng nay, vào các khung giờ cao điểm, nút giao thông Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm) thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là đoạn từ Khu đô thị Ruby TNR Goldmark City đến giáp đường Hồ Tùng Mậu.

Ông Trương Việt Anh (tòa nhà R3, Khu đô thị Ruby TNR Goldmark City) cho biết, có những buổi sáng, ô tô lưu thông chiếm hết 4 làn đường, thậm chí leo cả lên vỉa hè khiến các phương tiện khác không còn lối đi. Ùn tắc khiến nhiều người phải chờ 7-10 nhịp đèn mới có thể lưu thông qua nút. Trong khi đó, thời lượng pha đèn xanh từ phía đường Nguyễn Cơ Thạch kéo dài chỉ có 20 giây khiến cho các phương tiện đi từ khu đô thị ra đường Hồ Tùng Mậu không kịp di chuyển. Hơn nữa, đoạn đường này có trường học, nhiều xe đưa đón học sinh nên tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng.

“Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại đây, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh kéo dài thời gian đèn xanh để tăng khả năng lưu thoát của các dòng phương tiện”, ông Trương Việt Anh kiến nghị.

Không chỉ nút giao thông nói trên, Hà Nội còn nhiều điểm ùn tắc nghiêm trọng khác cũng đã được các cơ quan chức năng “điểm danh” như: Nút giao Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy); cầu Lạc Trung - Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng); khu vực đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì (quận Long Biên)…

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, qua rà soát, Sở đã xác định được các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ùn tắc như: Quá tải hệ thống hạ tầng; xung đột tại một số nút giao thông có mật độ cao; tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm còn chậm so với yêu cầu… Trước tình hình đó, Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các phường chốt trực, hướng dẫn giao thông tại 62 vị trí có nguy cơ ùn tắc.

Cũng theo ông Vũ Văn Viện, trong năm 2020, bằng nhiều giải pháp như mở rộng mặt đường, xây dựng cầu vượt, điều chỉnh tổ chức giao thông…, thành phố đã xử lý được 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Phấn đấu xử lý 8-10 điểm thường xuyên ùn tắc

Trong năm 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xử lý được 8-10 điểm trong số 26 điểm thường xuyên ùn tắc còn tồn tại, đồng thời hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, để kéo giảm ùn tắc, Sở vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội một số nhóm giải pháp gồm: Xén hè mở rộng tối đa mặt đường; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng; nghiên cứu cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao thông để hạn chế xung đột phương tiện...

Cùng với đó, liên ngành thành phố tiếp tục theo dõi, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông theo lưu lượng phương tiện; tăng cường lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm, trong đó phân công rõ trách nhiệm của UBND cấp quận, phường; cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình ùn tắc để người dân chủ động việc di chuyển.

Trong kế hoạch năm 2021, ngành Giao thông - Vận tải Hà Nội phấn đấu hoàn thành 38/91 công trình hạ tầng, bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,35% trở lên. Đặc biệt, Hà Nội đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải nhằm sớm đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, qua đó góp phần nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 17-18% tổng số người tham gia giao thông...

Các chuyên gia giao thông cho rằng, bên cạnh những giải pháp nói trên, Hà Nội cần sớm quyết liệt thực hiện các đề án lớn gồm: Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với năng lực vận tải hành khách công cộng và triển khai thu phí phương tiện cơ giới theo khu vực. Đây mới thực sự là các giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tình trạng gia tăng nhanh phương tiện giao thông cá nhân trong khi tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng không thể theo kịp.

Hiến thêm kế giải “bài toán” ùn tắc, chuyên gia Phan Lê Bình (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) đề xuất, đang có tình trạng mất cân bằng giữa hai chiều lưu thông vào và ra khỏi trung tâm thành phố trong các khung giờ cao điểm sáng và chiều. Vì vậy, Hà Nội có thể nghiên cứu thử nghiệm dải phân cách giữa di động, hoặc biển báo/vạch sơn linh hoạt chuyển đổi theo buổi sáng/chiều để bố trí mặt đường rộng hơn cho chiều lưu thông có nhiều xe hơn. Cách làm này có mức đầu tư tương đối thấp nhưng phát huy hiệu quả khá cao trong việc giải quyết ùn tắc giao thông tại nhiều đô thị lớn trên thế giới.

Tuấn Lương