Chuyển động ghi dấu ấn
Văn hóa - Ngày đăng : 07:41, 17/01/2021
Cụ thể, trong năm 2020, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà đơn vị đã thu là hơn 150 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019; số tiền trả các chủ sở hữu quyền tác giả là hơn 107,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền bản quyền tác giả thu từ nước ngoài là hơn 3,6 tỷ đồng, tăng khoảng 1,6 tỷ đồng so với năm 2019. Bên cạnh đó, tiền bản quyền tác giả thu từ các website, ứng dụng nhạc, các mạng xã hội YouTube, Facebook… cũng tăng 49% so với năm 2019, đạt 103 tỷ đồng.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đầu năm 2020, nhận thấy xu hướng mới trong sử dụng tác phẩm âm nhạc trong và ngoài nước, Trung tâm đã điều chỉnh kế hoạch hoạt động, tập trung khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên môi trường internet, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại, các phần mềm quốc tế. Trung tâm cũng ký thêm hợp đồng song phương với các tổ chức quản lý, đại diện quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả tại Slovenia, Ireland, Rwanda, Ecuador, Tây Ban Nha…, đưa tổng số hợp đồng ký song phương với các tổ chức lên con số 81. Chính các đơn vị này đã hỗ trợ Trung tâm quảng bá, bảo vệ, khai thác kho tác phẩm âm nhạc Việt Nam một cách hiệu quả tại nước ngoài.
Sự nhạy bén, chuyển động mạnh mẽ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trong năm qua đã ghi dấu ấn. Đây là kinh nghiệm cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị đang thực hiện bảo vệ quyền tác giả văn học, nghệ thuật tại Việt Nam, góp phần tạo môi trường sáng tạo lành mạnh, minh bạch.