Quyết tâm tạo bước đột phá
Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 17/01/2021
Những chuyển biến tích cực
Nhìn lại giai đoạn 2016-2020 có thể thấy rõ giáo dục và đào tạo đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả... Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em dưới 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực, được thế giới công nhận… Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên...”.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Việt Nam là nước thuộc nhóm có thu nhập thấp, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong giai đoạn 2015-2020 thể hiện nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, tạo nền tảng quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo. Nhiều chỉ số về giáo dục cũng rất đáng tự hào, như tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN; từ năm 2016 đến nay, học sinh Việt Nam đã giành 170 huy chương, bằng khen trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, trong đó có 54 Huy chương vàng, nhiều gấp đôi so với số Huy chương vàng trong giai đoạn 2011-2015.
Những kết quả trên có sự đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, Hà Nội luôn duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo, ở cả diện giáo dục đại trà và mũi nhọn. Hà Nội đã tiên phong trong công tác xây dựng các mô hình trường mới với 19 trường chất lượng cao; gần 1.700 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 75% trong tổng số trường công lập…
Cùng với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, “Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường… Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo…”.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, thành phố đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn 2016-2020, 345 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai, trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn.
Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ ra hạn chế, khuyết điểm: “Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Cụ thể là, đổi mới tư duy và hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra; việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế…
Đổi mới căn bản, toàn diện
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra nhiều thời cơ, cũng như thách thức, đòi hỏi công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải có bước đột phá toàn diện và mạnh mẽ hơn.
Trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế”.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, thực hiện mục tiêu trên, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ… Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ…