Gia tăng tai nạn do pháo tự chế
Xã hội - Ngày đăng : 06:11, 18/01/2021
Hậu quả nặng nề của pháo...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận gần chục ca tai nạn do pháo nổ. Riêng trong 3 ngày (từ ngày 5-1 đến rạng sáng 8-1), Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp nhập viện trong tình trạng chấn thương rất nặng do pháo tự chế.
Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân N.Q.T. (15 tuổi, ở Hà Nội). Trong lúc chế pháo cùng bạn, T. lấy bột cạo từ hộp que diêm để đốt. Thời điểm phát nổ, T. bị chấn thương còn người bạn may mắn không sao. Ngay sau đó, T. được người nhà chuyển đến bệnh viện huyện sơ cứu và 3h sáng 8-1 được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Qua phim chụp X-quang cho thấy, T. bị gãy xương bàn tay trái. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, sau đó tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Mắt trung ương để xử lý chấn thương mắt.
Tương tự, tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác trong tháng giáp Tết cũng thường tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do pháo tự chế phát nổ. Điểm chung của các bệnh nhi này là đều bị tổn thương vùng mặt và hai tay, chân do tiếp xúc gần với chất gây bỏng.
Trên giường bệnh, em P.T.L. (14 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình) bị băng kín toàn bộ khuôn mặt và khắp cơ thể. Bố L. cho biết: “L. cùng 5 người bạn xem hướng dẫn làm thuốc pháo tự chế trên mạng và làm theo. Sau khi kiếm được diêm, than và lưu huỳnh, bọn trẻ tìm một bãi đất trống để “pha chế”. Trong quá trình giã, trộn các hỗn hợp với nhau, tia lửa bùng lên cháy dữ dội. Khi sự việc xảy ra, một người hàng xóm đã phát hiện và lập tức đưa bọn trẻ đi cấp cứu. L. là trường hợp nặng nhất, nên được chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), các trường hợp bị chấn thương nhập viện do pháo nổ khác với các ca chấn thương do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Bởi, khi pháo nổ với sức công phá lớn, nạn nhân dễ gặp phải chấn thương nặng, chấn thương ở nhiều vùng trên cơ thể, nhất là thường phải cắt bỏ ngón tay, bàn tay, thậm chí gây mù mắt. Thêm vào đó, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng vết thương, bị bỏng nặng, khiến việc điều trị kéo dài và tốn kém.
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Chữa bỏng trẻ em (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác), may mắn, trường hợp của L. do thực hiện “pha chế” thuốc pháo ở khu vực ngoài trời, thoáng khí. Nếu thuốc pháo được “chế” ở phòng kín, thì khi cháy và phát nổ có thể khiến trẻ bị bỏng hô hấp, gây tử vong.
... cần siết chặt công tác quản lý
Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu dịp Tết Nguyên đán 2018, cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, thì đến dịp Tết Nguyên đán năm 2019 đã tăng lên 287 trường hợp và dịp Tết Nguyên đán 2020 tăng lên tới 321 trường hợp phải khám, cấp cứu do pháo. Như vậy, số ca tai nạn do pháo nổ mỗi dịp Tết gia tăng theo từng năm.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ là hành vi trái pháp luật. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng pháo lậu nhập từ nước ngoài về, pháo tự chế..., khiến tai nạn do pháo nổ vẫn xảy ra. Do đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý và xử lý quyết liệt việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ các loại, đồng thời tăng cường tuyên truyền về tác hại của pháo tự chế. “Ngoài các tổn thương như: Bỏng, cụt chi..., các tai nạn pháo còn gây những tổn thương nghiêm trọng cho mắt. Vào mỗi dịp Tết, Bệnh viện Mắt trung ương vẫn tiếp nhận hàng chục ca tai nạn mắt do pháo. Khi bị tai nạn do pháo không nên hoảng loạn, không tự ý rửa mặt, hay dụi mắt mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo.
Từ những hậu quả đáng tiếc do pháo nổ gây ra, bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho rằng, để đón năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như mỗi gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ. Từ đó, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng tò mò, dễ học theo bạn bè và các thông tin trên mạng. Do đó, gia đình, nhà trường, chính quyền, đoàn thể tại địa phương cần giáo dục, tuyên truyền để các em nhận thức được mối nguy hiểm của việc pha trộn các loại hóa chất, trong đó có việc làm thuốc pháo.