Làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Phi: Gánh nặng chồng chất
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 19/01/2021
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các nước châu Phi cần tiếp tục đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do vi rút SARS-CoV-2 tại khu vực này liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, các quốc gia tại Lục địa đen đang trải qua làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất. Biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12-2020 là một trong những nguyên nhân khiến số ca dương tính tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu vực miền Nam châu Phi.
Đến giữa tháng 1-2021, châu Phi đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm và khoảng 75.000 ca tử vong do Covid-19 trên tổng dân số 1,3 tỷ người. Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại châu Phi đã tăng gần gấp đôi so với mức đỉnh dịch trước đó hồi tháng 7 và tháng 8-2020. Sau 3 tháng với số trường hợp mắc mới trong ngày ở mức 100-200 ca, lần đầu tiên Nigeria ghi nhận hơn 1.000 ca dương tính mới trong 1 ngày vào tháng 12-2020. Ngày 15-1, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục là 1.867 ca. Trong số khoảng 1,3 triệu trường hợp nhiễm bệnh tại Nam Phi, có khoảng 200.000 ca được ghi nhận trong khoảng thời gian đầu năm 2021 đến nay.
Các quan chức y tế cảnh báo, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang gia tăng nhanh và đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh trên khắp châu Phi. Các quốc gia tại đây gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung thiết bị y tế do sự khan hiếm toàn cầu và không thể cạnh tranh với các nước giàu có hơn. Giới chức ở Nigeria, Senegal, Sudan, Nam Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như các tổ chức quốc tế cho biết, công suất bệnh viện và nguồn cung cấp oxy đang cạn kiệt do tỷ lệ tử vong trên toàn châu lục lần đầu tiên vượt mức trung bình toàn cầu.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nỗ lực tiếp cận vắc xin. Liên minh châu Phi (AU) đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số châu lục này trong vòng 2 đến 3 năm tới. Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đồng thời là Chủ tịch AU cho biết đến tháng 6 năm nay, nguồn cung vắc xin từ Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Việc thực hiện các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch cũng gặp nhiều trở ngại do tác động nghiêm trọng của các hạn chế này với nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi giảm 3% vào năm 2020, đánh dấu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà châu lục này từng trải qua. Quỹ này cũng nhận định từ nay đến năm 2023, các nước châu Phi sẽ cần 1.200 tỷ USD để khắc phục những thiệt hại kinh tế gây ra bởi đại dịch.
Chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để vắc xin có thể đến được với tất cả đối tượng. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu lục tăng cường hỗ trợ khẩu trang cho người dân, bởi hiện tại đây là “loại vắc xin tốt nhất” mà châu lục này có. Song song với việc duy trì biện pháp phòng ngừa, các nước đang nỗ lực ứng phó hiệu quả hơn với dịch Covid-19, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực xét nghiệm, củng cố hệ thống y tế cấp cơ sở và đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại trong cách ly và truy vết tiếp xúc, với nỗ lực làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.