Kinh tế Việt Nam 2020 tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo

Kinh tế - Ngày đăng : 11:28, 19/01/2021

(HNMO) - Ngày 19-1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”. Hội thảo thu hút 120 đại biểu là các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và doanh nhân tham dự.

120 đại biểu là các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, doanh nhân tham dự hội thảo.

Trong “Báo cáo tóm tắt kinh tế Việt Nam 2020”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu rõ: Năm 2020, nền kinh tế nước ta trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tăng trưởng kinh tế nước ta đạt 2,91% - mức thấp nhất trong hơn ba thập niên kể từ sau Đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, dưới sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đạt được là rất ấn tượng. Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cùng với đó, các nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, an sinh xã hội đã góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất có thể trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khó khăn của người lao động và người dân dần được khắc phục. Đây là kết quả từ những nỗ lực to lớn, chung tay góp sức, hợp tác chặt chẽ với nhau của Nhà nước và người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu về: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2020; tác động ban đầu của đại dịch Covid-19 lên quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam; triển vọng kinh tế Việt Nam 2021; nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề của Việt Nam.

Về triển vọng và dự báo tăng trưởng kinh tế 2021, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng đã có những dấu hiệu tích cực: Vắc xin phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021; gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021... Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ "ấm" dần lên.

Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020”, Viện Kinh tế Việt Nam cũng khuyến nghị những vấn đề: Cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi các yếu tố đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020, các yếu tố đó sẽ còn được tiếp tục duy trì trong năm 2021 không?; cần tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt; cần thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững; Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…), đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực; đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.

Theo PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020 có vai trò quan trọng để rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm 2021 và cả giai đoạn tiếp theo, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng và bền vững, giúp từng bước đưa Việt Nam đi đến thịnh vượng và hùng cường như mong ước và khát vọng của người dân Việt Nam. Hội thảo là một đóng góp tốt trong hoạt động công tác tư vấn chính sách cho các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước. PGS.TS Bùi Nhật Quang mong muốn những hoạt động như thế này cần được đẩy mạnh và duy trì, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của nền kinh tế như hiện nay.

Thu Hằng