Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm 48% vụ vi phạm hàng hóa trong năm 2020
Kinh tế - Ngày đăng : 13:13, 19/01/2021
Ngày 19-1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 3.862 vụ, xử lý 2.735 vụ. Số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước năm 2020 hơn 58,8 tỷ đồng, giảm 48,3% so với năm trước”.
Trong thời quan qua, các mặt hàng vi phạm nổi cộm trên địa bàn thành phố gồm: Thuốc lá nhập lậu, hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, thực phẩm, đường cát, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, phân bón, nước rửa tay, khẩu trang, găng tay phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong năm, các đội đã triển khai kiểm tra 715 vụ, thu giữ 3.683.226 đơn vị sản phẩm như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, điện gia dụng, thuốc tân dược… với tổng tiền phạt hơn 27,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường thành phố còn kiểm tra 527 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng như: Khẩu trang, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, phụ kiện may mặc, phụ tùng ô tô. Kết quả xử lý phạt tiền hơn 4,1 tỷ đồng.
Về vấn nạn hàng giả, năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 649 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng. Trong đó, tạm giữ hơn 1,3 triệu đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mắt kính,.. giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Gucci, Dior, Zara… Ngoài ra, phát hiện 364 vụ buôn bán hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa.
Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tuyến, điểm tập kết kinh doanh thuốc lá lậu. Kết quả phát hiện 192 vụ, trong đó 142 vụ vi phạm, tạm giữ 96.091 bao thuốc lá nhập lậu, 19.797 bao thuốc lá điện tử, 50 điếu xì gà. Tuy mặt hàng thuốc lá điện tử chưa được cấp phép lưu hành ở nước ta, nhưng hoạt động kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội đã và đang gây khó khăn cho công tác kiểm tra.