Làn sóng dịch Covid-19 thứ ba: Châu Âu ''gồng mình'' chống chọi

Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 20/01/2021

(HNM) - Đúng với những gì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo từ cuối tháng 11-2020, châu Âu đang phải "gồng mình" chống chọi đợt tấn công từ làn sóng dịch Covid-19 thứ ba. Mặc dù nhiều quốc gia đã gấp rút đẩy mạnh chương trình tiêm phòng vắc xin, song số người mắc bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là sau khi biến chủng mới được phát hiện tại Anh.

Nhiều nước châu Âu đã buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, trong những tuần gần đây, gánh nặng vốn đã khá lớn đối với hệ thống y tế tại 30 quốc gia ở châu lục càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ ba. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện cũng như cần phải điều trị tích cực tăng mạnh trở lại ở ít nhất 10 nước.

Tại Italia, ở một số vùng, số bệnh nhân Covid-19 đã vượt quá khả năng tiếp nhận của các bệnh viện. Nước này đứng trước nguy cơ toàn bộ các đơn vị điều trị tích cực trong hệ thống y tế lâm vào tình trạng quá tải giống như trong làn sóng Covid-19 lần thứ nhất vào tháng 3-2020. Tỷ lệ lây nhiễm tại Italia hiện ở mức rất cao khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm mới tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối tháng 12-2020 và đang ở mức trên 30.000 ca mỗi ngày. 

Ông David Nabarro, đặc phái viên về Covid-19 của WHO cho biết, các nước châu Âu đã bỏ lỡ việc xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng phòng, chống dịch Covid-19 cần thiết trong những tháng mùa hè năm 2020 sau khi kiểm soát được làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Trong khi đó, Giám đốc Viện Tin sinh học châu Âu Rolf Apweiler nhấn mạnh, biến thể vi rút được phát hiện ở Anh có thể khiến số ca lây nhiễm tăng từ 6 đến 8 lần so với vi rút gốc. Ông Apweiler kêu gọi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, tiêm chủng nhanh chóng và giải trình tự gen rộng rãi để xác định các biến thể của vi rút nhằm nhanh chóng giảm số ca lây nhiễm.

Kịch bản này đang tạo ra bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế châu Âu cũng như quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là rất cao nếu dịch bệnh không được kiểm soát nhanh chóng. Ngay trước khi bắt đầu làn sóng mới nhất của đại dịch, nền kinh tế châu Âu đã trong tình trạng không khả quan. Cùng lúc, thâm hụt ngân sách tăng lên do các biện pháp tài khóa đáng kể được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch. Khi thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng, mức nợ công ở các quốc gia như Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã tăng vọt lên mức kỷ lục, từ đó đặt ra hoài nghi mới về khả năng trả nợ của các quốc gia này. 

Những số liệu thống kê cho thấy, đà suy giảm kinh tế của các quốc gia châu Âu đang tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của dịch Covid-19 ở châu lục. Ðáng lo ngại hơn, các nền kinh tế đầu tàu của châu lục, kể cả những nền kinh tế từng đứng vững trước các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây như Ðức và Pháp, cũng được dự báo sẽ suy giảm mạnh. Chính phủ Pháp đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát. 

Mặc dù các nước châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, nhưng do số lượng vắc xin được cung cấp vẫn còn ở mức hạn chế, cộng thêm việc chưa thể xác định vi rút SARS-CoV-2 sẽ có thêm bao nhiêu biến thể mới, nên tình hình dịch bệnh ở Lục địa già cũng như trên toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, phong tỏa - dù là biện pháp gây đau đớn cho nền kinh tế - vẫn là “phương thuốc” hiệu quả nhất cho tới thời điểm này. Thực tế đã chứng minh, những quốc gia thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt ngay từ đầu đều có thể kiểm soát được dịch bệnh. Đây là điều kiện quan trọng để phục hồi kinh tế.

Quỳnh Dương