Hàng trăm triệu người khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối mặt nguy cơ đói nghèo
Thế giới - Ngày đăng : 21:29, 20/01/2021
Báo cáo do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hôm nay (20-1) cho thấy, đại dịch đang khiến 1,9 tỷ người không thể bảo đảm chế độ ăn uống lành mạnh. Một báo cáo trước đó cũng dự đoán, trong trường hợp xấu nhất, 828 triệu người có thể đối mặt với nạn đói nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo báo cáo mới nhất, ước tính gần 688 triệu người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng và hơn một nửa trong số đó ở châu Á. Tỷ lệ lớn nhất là ở các nước Nam Á như Afghanistan, quốc gia cứ 10 người thì có 4 người bị suy dinh dưỡng.
Báo cáo này chủ yếu dựa trên dữ liệu tính đến năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, báo cáo cũng ước tính sẽ có thêm 140 triệu người đối diện với nguy cơ rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực trong năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa tại nhiều quốc gia. Đến cuối năm 2020, ước tính khoảng 265 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng và mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh không đủ ăn. Điển hình như tại Ấn Độ, các chuỗi cung ứng bị phá vỡ và các vấn đề về vận chuyển, đặc biệt trong thời gian phong tỏa, đã cản trở việc phân bố các nguồn lương thực dữ trự đến những người có nhu cầu.
Báo cáo đồng thời chỉ ra rằng, giá trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa tại châu Á đã tăng cao, khiến các gia đình có thu nhập thấp “gần như không thể có chế độ ăn uống lành mạnh”. Dữ liệu của FAO cho thấy, giá thực phẩm vào tháng 11-2020 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 6 năm qua.