Các ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao dù dịch Covid-19 phức tạp
Tài chính - Ngày đăng : 15:45, 20/01/2021
Nhiều ngân hàng lãi lớn
Cuối năm 2020, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần lớn tuyên bố kết quả kinh doanh. Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Tiết Văn Thành cho biết, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn... Đặc biệt, Agribank đã có 7 lần giảm lãi suất cho vay, 9 lần giảm phí dịch vụ.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt lợi nhuận khoảng 23.000 tỷ đồng, tương đương năm 2019 với tổng huy động vốn 1.089.840 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2019; dư nợ tín dụng 838.220 tỷ đồng, hoàn thành 103,6% kế hoạch. Tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, tính đến cuối năm 2020, Vietcombank đã hỗ trợ 3.700 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và người dân ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; nợ xấu của Vietcombank giảm còn 0,6% trên tổng dư nợ.
Hay với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), kết quả kinh doanh đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 16.450 tỷ đồng. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, trong đó có một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung như: Nông nghiệp, nông thôn (16,15%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (13,18%)…
Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tổng tài sản đạt 1,49 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,43 triệu tỷ đồng; lợi nhuận cũng đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Đáng bàn hơn là các ngân hàng lớn đều cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, như VietinBank cắt giảm 5.000 tỷ đồng, BIDV hơn 6.400 tỷ đồng, Vietcombank khoảng 3.700 tỷ đồng…
Đối với các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, kết quả kinh doanh cũng rất khả quan. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019; tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,86%; tổng tài sản 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5%. SeABank cũng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên gần 12.088 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận tăng 11% so với năm 2019. Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) có lợi nhuận 2.500 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) có lợi nhuận 10.663 tỷ đồng…
Tìm cách tăng lợi nhuận
Lý giải cho việc các ngân hàng lãi lớn trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so với mức 7,02% của năm 2019, song, các chỉ tiêu về chính sách tiền tệ vẫn hoàn thành ở mức cao. Trong đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,83%, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87%, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng cũng đạt mức 12,13%, cao hơn so với dự kiến.
Đặc biệt, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất, với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhờ đó, các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn, đồng thời có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Do lạm phát thấp, các ngân hàng cũng tìm cách kéo lãi suất huy động xuống thấp tương ứng với lạm phát, giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 nhưng cũng là hỗ trợ chính các ngân hàng trong sử dụng nguồn vốn. Việc các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu thời hạn trả nợ đã giúp ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí và trích lập dự phòng rủi ro, mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn cũng cho biết, nhờ việc tích cực cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tìm mọi cách giảm lãi suất để khách hàng dễ tiếp cận nguồn vốn vay, áp dụng công nghệ hiện đại cho dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng cơ cấu thu nhập ngoài lãi, tăng tỷ trọng khách hàng có hiệu quả sinh lời từ phân khúc bán lẻ, cho vay doanh nghiệp quy mô nhỏ…, các ngân hàng không những không gặp khó khăn mà còn đạt lợi nhuận cao trong năm 2020.