Nỗ lực phân phối vắc xin Covid-19 toàn cầu: Để không ai bị bỏ lại phía sau
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 21/01/2021
Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã đưa vào lưu hành 7 loại vắc xin ngừa Covid-19 với phác đồ tiêm hai mũi. Theo thống kê, hơn 40 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 (đủ cho 20 triệu người) đã được phân phối tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, có tới 90% số vắc xin trên tập trung tại 11 quốc gia, phần lớn là các nước giàu có. Trong khi đó, nguồn cung vắc xin vẫn tồn tại nhiều hạn chế do mới chỉ có một số loại được cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ và châu Âu cấp phép lưu hành. Nhiều loại vắc xin tuy đã được công bố, nhưng thực tế vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm về tính hiệu quả và an toàn phòng bệnh. Thực tế này gây sức ép lớn đối với các công ty sản xuất vắc xin và tạo ra nhiều hệ lụy đối với hoạt động phân phối trên toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, chiến lược của các nước ưu tiên lợi ích quốc gia trong việc cung cấp vắc xin sẽ gián tiếp làm trầm trọng thêm đại dịch. Theo người đứng đầu WHO, tình hình cung cấp vắc xin ngày càng phức tạp. Hầu hết các nhà sản xuất ưu tiên phê duyệt phân phối, sử dụng ở các quốc gia giàu có, thay vì nộp toàn bộ sản phẩm để phục vụ cơ chế COVAX (cơ chế này do WHO phối hợp với Liên minh toàn cầu về vắc xin, tiêm chủng và Liên minh vì đổi mới phòng, chống dịch bệnh) thực hiện. Trong bối cảnh đó, ông T.Ghebreyesus kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn “chủ nghĩa dân tộc” trong kế hoạch phân phối vắc xin toàn cầu.
Theo thống kê, đã có ít nhất 44 thỏa thuận mua bán vắc xin song phương được ký kết trong năm 2020, và ít nhất 12 thỏa thuận nữa vừa ký kết trong đầu năm 2021. Ngay trong tuần này, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo đã đề nghị Giám đốc điều hành Hãng Pfizer Albert Bourla cho phép mua trực tiếp vắc xin ngừa Covid-19 cho bang này. Sự gia tăng các hợp đồng mua bán khép kín khiến cơ chế COVAX đứng trước nguy cơ bị đình trệ. Thực tế này có thể gây hỗn loạn thị trường vắc xin, đe dọa nghiêm trọng mục tiêu phân phối vắc xin công bằng trên toàn cầu.
Để ứng phó với thách thức, các tổ chức quốc tế đã có những động thái khá quyết liệt. Hiện nay, WHO đang đàm phán với Pfizer về việc đưa vắc xin của hãng dược này vào danh mục chia sẻ cho các nước nghèo và nước thu nhập trung bình. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hướng tới thiết lập cơ chế cho phép chia sẻ lượng vắc xin chưa dùng đến với các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước châu Phi. Theo Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides, cơ chế này của EU sẽ cho phép các nước nghèo tiếp cận nguồn vắc xin trước khi COVAX vận hành trơn tru. Điển hình như Iran - dù bị cấm vận nghiêm ngặt nhưng nước này cũng đã có thể tiếp cận 16,8 triệu liều vắc xin nhờ cơ chế COVAX. Tương tự, Liên minh châu Phi (AU) sẽ tiếp nhận 300 triệu liều vắc xin từ cơ chế COVAX vào cuối quý I-2021.
Vắc xin ngừa Covid-19 được xem là “vũ khí” tối thượng đối với nhiều quốc gia nhằm thoát khỏi đại dịch. Nhiều nước mong muốn, quá trình phân phối mặt hàng này cần cân đối, hài hòa, tránh để những khu vực yếu thế bị bỏ lại phía sau.