Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5 đến 1,7%
Kinh tế - Ngày đăng : 17:44, 06/12/2022
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn…
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể là năm 2023, thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5 đến 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu. Trong đó, đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn; đạt chỉ tiêu 65% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật trong khai thác theo hướng tiết kiệm năng lượng; đạt 75% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đạt chỉ tiêu 75% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định…
Để thực hiện kế hoạch này, thành phố cũng đề ra 4 nội dung cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất…; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế. Cùng với đó là các giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo; tuyên truyền, giáo dục; quản lý, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Thành phố giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố. Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện chương trình quốc gia, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lắp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra.
Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch từ ngân sách nhà nước theo phân cấp; nguồn vốn doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hỗ trợ đóng góp hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân.