Chấm dứt tình trạng nhờn luật

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:37, 22/01/2021

(HNMCT) - Cuối tuần qua, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ bài đăng trên một tờ báo điện tử nhan đề: “Rác thải “bức tử” sông hồ Hà Nội”.

Nội dung bài báo phản ánh nhiều sông hồ ở Hà Nội đang là những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Như một người dân sống cạnh hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) đã than thở trong bài báo: “Cái gì người ta cũng vứt xuống hồ, từ vàng mã đến bàn thờ cũ”… Cũng theo bài báo, nhiều con sông ở nội đô mặc dù có chức năng tiêu thoát nước nhưng người dân vẫn ngang nhiên đổ rác làm tắc nghẽn dòng chảy và gây ô nhiễm...

Chỉ dài chưa tới 600 chữ nhưng bài báo đã phản ánh đúng một thực trạng trên địa bàn Thủ đô, đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường sông hồ. Bởi thế, khi được chia sẻ bài báo đã có không ít comment bày tỏ bức xúc, kiểu như: “Một ông dọn mà mười ông ném thì sao kịp”…

Hà Nội vốn là “thành phố của sông hồ”, riêng khu vực nội thành có hơn 100 hồ lớn nhỏ với tổng diện tích tới cả ngàn hecta. Những năm gần đây, hầu hết các hồ đã được Thành phố đầu tư nạo vét, kè bờ, làm đường dạo, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng... Hệ thống sông chảy qua khu vực nội đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu phần lớn cũng đã, đang được cải tạo, nạo vét, tạo cảnh quan môi trường…

Mặc dù vậy nhưng thật đáng lo ngại khi hầu hết sông hồ trên địa bàn Hà Nội vẫn bị ô nhiễm, mà “thủ phạm” chính là ý thức yếu kém của nhiều người dân khi vẫn giữ thói quen xả rác bừa bãi. Không chỉ xả rác ra sông hồ mà hiện tượng xả rác ra nơi công cộng cũng khá phổ biến. Mặc dù phần lớn các quán ăn đều có giỏ rác đặt dưới gầm bàn nhưng nhiều thực khách vẫn tiện tay vứt giấy ăn, tăm, xương... xuống nền nhà. Dễ thấy trên đường phố hình ảnh nhiều người dân vô tư xả rác trên lòng đường, hè phố. Ở các ngã ba, ngã tư cũng không khó để bắt gặp hình ảnh một hoặc vài thanh niên tranh thủ lúc dừng xe chờ đèn đỏ để châm thuốc hút, và tất nhiên là “đích đến” của tàn thuốc, đầu mẩu điếu thuốc sẽ là lòng đường. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị mà tất cả những hiện tượng đó còn cho thấy sự yếu kém về mặt ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, lối sống “cha chung không ai khóc”. Và đó là một biểu hiện của sự thiếu văn hóa, kém văn minh.

Luật Bảo vệ môi trường đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng”…

Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng nêu rõ: “Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng; Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại nơi công cộng; Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố...”. Nghĩa là chúng ta không thiếu chế tài, thế nhưng do thiếu vắng lực lượng xử phạt các vi phạm kiểu này nên có cảm giác như các quy định pháp luật xa rời thực tế, thiếu tính khả thi. Rất hiếm thấy một trường hợp vứt mẩu thuốc lá hay vứt rác ra đường bị xử phạt nghiêm khắc, trong khi chuyện này rất phổ biến ở Singapore, Hàn Quốc, Đức…

Một xã hội phát triển văn minh đòi hỏi người dân phải có tinh thần thượng tôn pháp luật và trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thì các lực lượng chức năng cần có tinh thần, thái độ quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ quản lý đô thị. Chấm dứt tình trạng nhờn luật mới cải thiện được môi trường sống, xây dựng được đô thị văn minh, thanh bình, đáng sống!

Hà Anh