EVFTA tạo lợi thế cho đầu tư và nhập khẩu máy móc, thiết bị

Kinh tế - Ngày đăng : 18:20, 06/12/2022

(HNMO) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu, máy móc chất lượng cao từ EU để gia tăng giá trị hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khi chính sách phát triển thương mại giữa Việt Nam và EU có thay đổi theo hướng xanh và bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực thích ứng để đẩy mạnh cơ hội hợp tác với doanh nghiệp EU.

 Toàn cảnh tọa đàm.

Đây là nội dung được các diễn giả, chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6-12 tại Hà Nội.

Quy mô vốn đầu tư mới đạt khoảng 12 triệu USD/dự án

EVFTA là FTA đầu tiên giữa Việt Nam với khu vực thuộc tốp đầu về đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đến tháng 8-2022 đạt 27,6 tỷ USD. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hợp tác, tăng cường chuyển giao công nghệ. Đồng thời với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất... Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, EVFTA đã giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn vào Việt Nam. Theo đó, quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU đã có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây và đạt khoảng trên dưới 12 triệu USD/dự án. Đây là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có EVFTA. “Quá trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, Chính phủ với Chính phủ, Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp giúp hai bên có thêm hiểu biết về góc nhìn của nhau cũng như tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, bền vững hơn”, ông Nguyễn Anh Dương nói.

Riêng về đầu tư của các doanh nghiệp Đức, bà Đào Thu Trang, Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp Đức đang đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất, do đó, mong muốn đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Tính riêng từ giữa tháng 3 đến nay, có 12 dự án đã xin cấp phép đầu tư tại Việt Nam. Các ngành, nghề ưu tiên đầu tư gồm: Công nghệ cao, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển phần mềm, ngành thực phẩm, đặc biệt là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe…

Còn ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) thông tin, với ưu đãi thuế quan, EVFTA không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số, mà còn giúp gia tăng nhập khẩu linh kiện, thiết bị, máy móc, các nguồn nguyên liệu chất lượng từ thị trường này phục vụ sản xuất trong nước.

Từ phía doanh nghiệp, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tập đoàn DKNEC cho biết, nhờ EVFTA, doanh nghiệp có thể nhập khẩu nhiều loại thiết bị máy móc với mức thuế thấp, từ đó có thể ứng dụng giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và xuất ngược sản phẩm sang EU và nhiều thị trường khác.

Hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu phải đạt tiêu chuẩn xanh.

Tạo khung pháp lý, thu hút đầu tư xanh

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, mặc dù doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế từ Hiệp định EVFTA nhưng vẫn còn những doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn cử như về vấn đề môi trường. EU là thị trường rất khó tính và họ có những tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Theo thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm định động thực vật Việt Nam (SPS), từ khi EVFTA có hiệu lực, phía EU đã công bố 74 dự thảo và 173 quy định liên quan đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Tương tự ông Nguyễn Anh Dương cho biết, dù các nhà đầu tư EU có sự chuyển hướng lớn sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, song không quá coi trọng vấn đề giá rẻ mà luôn có xu hướng đầu tư gắn với các tiêu chuẩn phát triển bền vững. “Để thu hút đầu tư nước ngoài, câu chuyện ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Chỉ cần một vài doanh nghiệp không có ý thức tốt về vấn đề môi trường, phát triển bền vững, hay tiêu chuẩn sử dụng lao động thì có thể ảnh hưởng chung tới hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư của Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương nói.

Ông Nguyễn Anh Dương cũng lưu ý, để thu hút đầu tư từ EU vào các dự án xanh, Việt Nam cần tạo dựng khung chính sách phù hợp với nhà đầu tư EU để họ mang vốn tới Việt Nam, tiến tới tạo được một hệ sinh thái cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư EU.

Từ phía doanh nghiệp, bà Đào Thu Trang đề xuất nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp địa phương, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, đẩy mạnh sản xuất nguồn nguyên, phụ liệu ở trong nước, tăng được hàm lượng nội địa cho sản phẩm. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí về logistics, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm được chi phí sản xuất.

Lam Giang