Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn
Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 22/01/2021
Thực hiện quyết liệt, toàn diện
5 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (thành lập từ năm 2013) có bước chuyển biến tích cực. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: "Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn".
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật trên 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng; thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Tính chung nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và từ khi Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng được thành lập đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Trung ương đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không làm oan, bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua có tác dụng cảnh báo, răn đe thực sự. Nhiều bị cáo đứng trước vành móng ngựa nói rằng nếu biết trước hậu quả đã không dám tham nhũng. Quan trọng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã dần được khắc phục…
Thành tích chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng từ các địa phương. Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, kết quả phòng, chống tham nhũng được thể hiện toàn diện trên 6 mặt công tác. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tư pháp thành phố đã thụ lý điều tra 169 vụ với 497 bị can; khởi tố 134 vụ với 444 bị can; truy tố 130 vụ với 433 bị can; xét xử 259 vụ với 838 bị cáo liên quan đến các tội về tham nhũng. Tổng số tài sản đã thu hồi được trong các vụ án tham nhũng là 9.664 tỷ đồng.
Xu thế không thể đảo ngược
Theo ông Đỗ Bá Quát (phường Quán Thánh, quận Ba Đình), thời gian qua “lò” chống tham nhũng đã nóng. Tới đây, cần phải nóng hơn nữa để sắt thép khi bị đưa vào lò cũng phải chảy ra chứ không chỉ cháy “củi tươi, củi khô”.
Đây chính là tâm nguyện của nhân dân và cũng là quyết tâm chính trị của toàn Đảng. “Ý Đảng lòng dân” đã được thể hiện rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về mục tiêu nhiệm kỳ tới, Trung ương nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là chính...”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã nói rằng, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tinh thần nêu trên chắc chắn sẽ tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thống nhất cao. Bởi như phân tích của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), với những kết quả và sự chỉ đạo sát sao của Trung ương vừa qua, công tác phòng, chống “giặc nội xâm” là xu thế không thể đảo ngược.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị, thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương phải vừa đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngoài xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, vừa phòng ngừa đấu tranh chống “giặc nội xâm” ngay trong nội bộ. Đây là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mà trước hết lực lượng công an phải thực sự trong sạch, có bản lĩnh, ý chí chiến đấu, không thể bị mua chuộc.
Trong khi đó, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương xây dựng 10 chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết tâm cùng toàn Đảng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.