Quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc miền núi
Đời sống - Ngày đăng : 11:16, 23/01/2021
Ông Bạch Doãn Phú, người uy tín vùng đồng bào dân tộc, thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ):
Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng
Đồng Ké là thôn duy nhất của xã Trần Phú và của huyện Chương Mỹ có đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thôn Đồng Ké nói riêng và xã Trần Phú nói chung đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kinh tế, xã hội; đồng bào được hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao...
Đó thực sự là cơ sở, động lực để đội ngũ những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi phát huy vai trò tuyên truyền, vận động bà con tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và chung sức bảo vệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chúng tôi tự hào và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ có nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc; chú trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm…, giúp đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng ấm no...
Bà Mai Thị Chuyển, người uy tín vùng đồng bào dân tộc, thôn Rộc Éo, xã An Phú (huyện Mỹ Đức):
Tự hào trước sự phát triển của đất nước
Những năm vừa qua, huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội luôn quan tâm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, người Mường ở xã An Phú đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu, như: Điện, đường, trường, trạm…
Nhờ đó, người Mường ở xã An Phú được tiếp cận thông tin, hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trẻ em được đến trường; các tệ nạn xã hội giảm dần, an ninh trật tự cơ bản được giữ vững; đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố... Tôi tự hào trước sự phát triển của quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, do địa hình rộng, đời sống của đồng bào vẫn phụ thuộc kinh tế nông nghiệp... nên tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập. Tôi sẽ cùng với chính quyền thôn, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ông Lý Văn Phủ, người uy tín vùng đồng bào dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì):
Thêm nhiều chủ trương phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tôi vui mừng bởi diện mạo đất nước ngày càng đổi thay, đặc biệt là trong đời sống vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Hiện nay, 100% đường giao thông trên địa bàn xã Ba Vì đã được bê tông hóa, nhà nhà được sử dụng điện lưới quốc gia, người dân đã biết đến trạm y tế khám, chữa bệnh mỗi khi bị ốm đau. Ai cũng có ý thức chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế để dần thoát khỏi cuộc sống nghèo khó...
Hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng bào dân tộc Dao huyện Ba Vì tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, Đảng sẽ đề ra những quyết sách đúng, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển toàn diện và có thêm chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, có thêm các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa, nhất là chữ viết của đồng bào dân tộc Dao...
Cá nhân tôi có hai kỳ vọng lớn vào đại hội đó là: Đại hội sẽ thảo luận thật kỹ các văn kiện trình tại Đại hội để ban hành nghị quyết mang tính quyết sách, chiến lược cho giai đoạn tới; Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn những người lãnh đạo có đức, có tài, có phẩm chất, năng lực, uy tín để lo cho người dân có cuộc sống ngày một tốt hơn...
Ông Đinh Như Môn, người uy tín vùng đồng bào dân tộc ở thôn 3, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất):
Tin tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ thành công rực rỡ
Năm 2008, xã Yên Bình được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Sau gần 13 năm, nhờ triển khai các chương trình do Đảng, Nhà nước hỗ trợ, đời sống của đồng bào người Mường trên địa bàn xã đã từng bước được cải thiện; số hộ nghèo giảm mạnh. Bà con phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Nhiệm kỳ vừa qua, có thể thấy sự thay đổi vượt bậc của đất nước. Đặc biệt trong năm 2020, đất nước gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế vẫn phát triển nhanh, mạnh, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Qua theo dõi, tìm hiểu về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đa số cán bộ, đảng viên và người dân ở thôn 3, xã Yên Bình tin tưởng Đại hội sẽ thành công rực rỡ...
Hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tôi mong muốn Đại hội sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đức, có tài để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tôi cũng kỳ vọng, Trung ương Đảng tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng; phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch Covid-19; tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đời sống của người dân nói chung và người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phát triển tiệm cận với đời sống của người dân ở vùng đồng bằng...
Ông Nguyễn Văn Ngân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc, ở thôn Phú Yên, xã Yên Bài (huyện Ba Vì):
Gắn phát triển kinh tế với giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc
Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng bào dân tộc Mường, ở xã Yên Bài mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương phát triển kinh tế gắn với gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc khu vực miền núi.
Xã Yên Bài đang phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sữa, trồng chè kết hợp với bưởi, đời sống kinh tế - xã hội của người dân ngày càng nâng cao. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đưa giống cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học, kỹ thuật mới đến nông dân để phát triển sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm để tạo đầu ra, thu nhập cao hơn nữa cho người dân.
Xung quanh chân núi Ba Vì có rất nhiều các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ngay tại xã Yên Bài, những năm gần đây, người dân cũng đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng thăm vườn chè, vườn bưởi, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Mường... Để thúc đẩy nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, rất cần Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông...
Tôi cũng mong muốn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được quan tâm bảo tồn. Xã Yên Bài có 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường (khoảng 7.000 dân) sẽ bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, các điệu múa, hát truyền thống...