Bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 23/01/2021
Thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét
Nhìn lại 5 năm qua (2016-2020), dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Hệ thống pháp luật nước ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế...”.
Triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, qua hơn 3 năm thực hiện, cả nước đã tích cực, chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, cả nước đã giảm hàng trăm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hơn 15.000 thôn, tổ dân phố; giảm hàng trăm đầu mối từ trực thuộc Trung ương đến cấp sở, ngành...
Tạo nên kết quả trên có sự đóng góp của các địa phương, trong đó Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tàu gương mẫu với nhiều sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thành phố giảm tỷ trọng chi thường xuyên năm 2020 xuống còn 51%, nâng tỷ lệ chi đầu tư phát triển lên 49% (bình quân cả nước là 27% tổng chi).
Cũng theo đánh giá của Trung ương, 5 năm qua, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân... Nhìn nhận khách quan về kết quả đã đạt được, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, 5 năm qua, hệ thống pháp luật, các đạo luật trong quản lý nhà nước và xã hội ngày càng đầy đủ, phù hợp hơn.
Nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị
Bước vào giai đoạn 2021-2025, Trung ương Đảng đã xác định rõ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Tất cả phải tập trung nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Cùng với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, Trung ương xác định yêu cầu phải xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Chính quyền địa phương phải được hoàn thiện phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo...; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị; gắn kết và đổi mới tổ chức bộ máy cũng như cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng tiến bộ, Đảng, Nhà nước cần huy động sự tham gia của nhân dân vào quản trị nhà nước. Trong đó, cần bảo đảm sự giám sát của người dân và quyền giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên thực tế.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho rằng, điều mong muốn của toàn Đảng, toàn dân là trong nhà nước pháp quyền phải thể hiện được nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công việc khó khăn, nhiều thách thức và lâu dài; là nhiệm vụ xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng với quyết tâm chính trị cùng đường lối đúng đắn, việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này chắc chắn sẽ có những tiến bộ mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.