Tập trung phát triển vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 19:52, 06/12/2022

(HNMO) - Chiều 6-12, tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã truyền đạt chuyên đề 4 về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Kết luận số 45-KL/TƯ, ngày 17-11-2022).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề “Định hướng tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Xác định mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước và 6 vùng kinh tế trong thời kỳ mới.

Đồng chí Vũ Đức Đam nêu rõ, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. 

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia và phát triển các hành lang kinh tế.

Trong đó, các vùng động lực quốc gia được hình thành trên cơ sở lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay; từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây được hình thành dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa. 

Ưu tiên mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên vùng

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện quy hoạch, bao gồm giải pháp về huy động nguồn lực, về cơ chế, chính sách, về khoa học, công nghệ, về nguồn nhân lực và về hợp tác quốc tế.

Nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là cần nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh và kết nối vùng với các trung tâm kinh tế lớn, kết nối khu vực, quốc tế; đầu tư các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả cho toàn vùng.

Đó còn là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Phát triển các loại thị trường vốn; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; định hướng thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào địa bàn các vùng động lực, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước.

Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng quy mô lớn của các vùng động lực quốc gia và thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ưu tiên, cần quan tâm đầu tư các khu vực khó khăn, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực vùng khó khăn, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác là phải tiếp tục nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao.

Đồng thời, phải xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên. Ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên và các địa phương trong các vùng động lực. Đổi mới chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật về công tác lâu dài và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ ở các vùng khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, phải tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng kết cấu hạ tầng và tăng cường kết nối kinh tế trong và ngoài khu vực ASEAN; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo kế hoạch, thực hiện Kết luận 45-KL/TƯ, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Hiền Lương