Bớt tiếng thị phi, tâm thành ứng xử
Văn hóa - Ngày đăng : 08:52, 24/01/2021
Những điều trông thấy...
Theo truyền thống của người Việt, đi chùa là để tìm đến nơi thanh tịnh, trải nghiệm đời sống văn hóa tâm linh, để thăng hoa nhận thức, sám hối những việc làm sai... Thời gian trôi đi, cuộc sống hiện đại cùng sự hội nhập và va chạm giữa nhiều luồng văn hóa đã khiến cho các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử chốn cửa thiền có sự mai một.
Trong ứng xử với môi trường tự nhiên, nhiều người đi lễ chùa đã có những biểu hiện lệch chuẩn, làm mất dần vẻ đẹp của một nét văn hóa truyền thống. Điển hình nhất là việc hái lộc. Xuất phát từ một phong tục đẹp, ngày đầu năm lên chùa hái nhành lộc non với ý nghĩa mang lộc về nhà, nhưng nay thì nhiều người đi lễ chùa mặc sức hái hoa, bẻ cành đem về nhà với niềm tin cành càng to càng được nhiều may mắn, tấn tài, tấn lộc cả năm. Không chỉ xâm hại cảnh quan chùa chiền, nhiều người còn biến sân chùa thành địa điểm kinh doanh, bày bán đủ thứ: Nhang, hoa, chim phóng sinh, sách bói toán...
Để phục vụ nhu cầu đa dạng của các phật tử, hàng loạt dịch vụ như giữ xe, viết sớ, xóc quẻ, khấn thuê, bói toán... xuất hiện, thậm chí các quán đặc sản cũng ra đời bên ngoài khuôn viên chùa. Mà đã buôn bán thì chẳng tránh khỏi cảnh ồn ào, các chủ hàng mặc sức chèo kéo khách thập phương, chuyện mua bán, mặc cả, mời chào nhộn nhạo làm mất đi tính tôn nghiêm nơi cửa Phật. Bên cạnh đó, không ít khách đi lễ xả rác vô tội vạ, khách kéo nhau ra về thì quanh chùa ngổn ngang rác...
Trong ứng xử với môi trường xã hội, bên cạnh những việc làm tốt đẹp, một bộ phận người dân có hành vi thiếu chuẩn mực, làm mất đi phần nào mục đích, ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ chùa. Chùa càng linh thiêng, lượng khách càng nhiều thì hiện tượng chen lấn, xô đẩy để giành chỗ khấn vái hay chỗ nghỉ chân càng phổ biến. Đó là chưa kể sự lệch chuẩn trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng.
Nhiều phật tử đi lễ chùa mà vô tư chọn cho mình thứ trang phục ngắn trên hở dưới, quần cộc với "biến tấu" rách tả tơi. Đến một không gian cần sự nhỏ nhẹ nhưng nhiều người vô tư hò hét, gọi nhau và rôm rả bàn chuyện. Đặc biệt là hiện tượng rải tiền lẻ khắp nơi, từ bày lên các đĩa hoa quả trên ban thờ đến nhét tiền vào tay tượng Phật, rải tiền dưới chân tượng, gài lên thân, lên đầu, mũ, nhét tiền vào dây cương ngựa, vào miệng các linh vật, thậm chí ở cả giếng nước, cây đa, cây đề thay vì bỏ vào hòm công đức.
Chị Nguyễn Thị Bích Châu (phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường đi lễ chùa vào ngày rằm, mùng một. Đáng buồn là hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa nơi cửa chùa xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là cảnh chen lấn xô đẩy tranh giành nhau thắp hương, lễ bái gây phản cảm. Khi nhận thức và cách ứng xử đều không đúng thì làm sao có thể cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với mình”.
Cần nhất là tấm lòng thành
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định: Sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử nơi cửa thiền là do không phải ai đến chùa cũng hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật cũng như biết cách thực hành nghi lễ ở nơi chùa chiền sao cho đúng. Vì không hiểu biết nên mới có nhiều người đến lễ bái nhưng không biết đền, chùa đó thờ ai, thậm chí còn so sánh giữa đền, chùa này với đền, chùa khác nơi nào thiêng hơn, nơi đâu cầu xin được nhiều tiền tài, danh lợi hơn. Vì không hiểu biết nên cứ nghĩ rằng “mâm cao cỗ đầy” thì Phật mới chứng giám, nên mới hạ thấp thần linh bằng cách coi các ngài cũng như những gì tồn tại giữa cuộc đời, cũng ăn hối lộ, cũng đo đếm rằng cúng càng nhiều thì nhận lại càng nhiều...
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), "chính tác động của lối sống quá coi trọng vật chất, đặc biệt là sự kém hiểu biết, tâm lý đám đông đã dẫn đến cách hiểu sai lệch về đạo Phật và các nghi lễ thực hành nơi cửa Phật, dẫn đến hành động lệch lạc”.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, trải qua thời gian dài đồng hành cùng văn hóa Việt Nam, Phật giáo đã thẩm thấu vào nguồn mạch văn hóa dân gian và có những đóng góp quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Lòng tôn kính đức Phật và sự coi trọng văn hóa ứng xử ở chốn tôn nghiêm cũng được người xưa đặt ra, từ đó hình thành những quy tắc, chuẩn mực ứng xử nơi cửa thiền. Những câu ca dao - tục ngữ đề cập đến văn hóa ứng xử của phật tử khi đi lễ chùa còn tồn tại cho đến ngày nay: "Kính Phật phải trọng tăng", “Tiên bái trụ trì, hậu bái Thích Ca”, hay “Im như Bụt mọc trên chùa/ Con vào chính điện đừng đùa với sư/ Cúi lạy con phải từ từ/ Đừng có vội vã mà hư thân mình”...
Người xưa đã vậy, ngày nay, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định nhằm định hướng chuẩn mực ứng xử nơi cửa thiền. Chẳng hạn, tại khoản 19 Điều 12 Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích”. Các văn bản mang tính pháp quy luôn được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế cuộc sống, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa.
Tuy vậy, để thay đổi một thói quen, một nếp nghĩ, cách ứng xử thì không chỉ cần quy định, chế tài xử lý hành vi vi phạm đủ sức răn đe. Điều quan trọng hơn cả là tăng cường công tác tuyên truyền, sử dụng đồng bộ giải pháp giáo dục, thuyết phục để nâng cao nhận thức của người dân về ứng xử văn hóa tại các cơ sở tôn giáo. Có thể thấy, từ khi cơ quan quản lý văn hóa, các phương tiện truyền thông, ban quản lý các di tích, cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử cũng như quy định không đốt vàng mã, không rải tiền lẻ, không thắp quá một nén hương..., cách ứng xử của phật tử, khách tham quan tại các di tích, cơ sở tôn giáo đã có sự thay đổi theo hướng tích cực.
Chẳng hạn như vấn đề trang phục khi đi lễ chùa. Từ khi Thành phố Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đã đề nghị đơn vị quản lý đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Bà Kiệu... không cho du khách mặc trang phục hở hang, phản cảm vào tham quan. Những du khách "hồn nhiên" mặc áo may ô, quần soóc, váy ngắn, áo hai dây... vào di tích đều được giải thích về quy định mà cơ quan chức năng đã đề ra. Cùng với đó, các nhân viên ở những di tích này sẽ cho du khách cho mượn trang phục phù hợp và hướng dẫn du khách ăn vận chỉnh tề trước khi vào khu vực thờ tự. Sau một thời gian, hiện tượng mặc trang phục phản cảm ở những nơi này đã giảm hẳn.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, trên địa bàn thành phố Hà Nội với gần 6.000 di tích thuộc các loại hình khác nhau, dù công tác tuyên truyền và quản lý có hiệu quả đến đâu thì cũng không thể "vươn bàn tay quản lý" tới từng người. Bởi vậy, điều cần nhất lúc này vẫn là sự tự giác, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Mỗi người phải biết tự răn mình, hình thành thói quen ứng xử văn minh khi đến chùa lễ Phật, thể hiện tâm thành "đến cửa từ bi, bớt tiếng thị phi, thêm câu niệm Phật". Từng cá nhân có nhận thức đúng đắn thì văn hóa ứng xử nơi cửa thiền mới được nâng tầm và lan tỏa rộng rãi.