Sửa sai kịp thời

Giải trí - Ngày đăng : 09:40, 24/01/2021

(HNMCT) - Một bộ phim thành công không chỉ mang đến danh tiếng, lợi ích cho một ê kíp mà đôi khi còn mang đến nguồn lợi không nhỏ cho cả một địa phương. Rất nhiều phim trường trên thế giới đã trở thành điểm tham quan, góp phần phát triển du lịch cho cả một vùng. Lúc này, những người sáng tạo, đặc biệt là tác giả kịch bản, đạo diễn... được trân trọng ghi nhớ bởi họ chính là người tạo tác hoặc đóng vai trò quan trọng trong việc khai phá điểm đến đặc biệt ấy.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ một bài báo liên quan tới việc tác giả văn học bị quên ngay tại phim trường “Chuyện của Pao”. Thông tin này ngay lập tức được rất nhiều nhà văn, nhà báo đồng cảm, lên tiếng quyết liệt. Cần phải nói lại rằng, “Chuyện của Pao” là bộ phim do đạo diễn Ngô Quang Hải thực hiện, được chuyển thể từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” (giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998 - 1999) của nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Bộ phim khi phát hành đã tạo nên một hiện tượng của điện ảnh Việt với giải thưởng Cánh diều vàng năm 2006. “Chuyện của Pao” gây xúc động, khiến người xem say đắm với những cảnh quay đậm chất thơ, những bức tường rào đá, cánh đồng hoa cải, ngôi nhà truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc.

Từ dư âm của bộ phim, nhiều người đã tìm đến ngôi nhà được chọn làm bối cảnh phim tại làng văn hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để tham quan, biến nơi đây thành một điểm đến nổi tiếng của tỉnh. Tuy nhiên, không hiểu vì sao tại đây không có thông tin về tác giả truyện ngắn được chuyển thể. Điều này dẫn đến việc du khách thiếu thông tin về phim và điểm du lịch, thậm chí có hướng dẫn viên còn giới thiệu nhầm rằng phim “Chuyện của Pao” dựa trên một tác phẩm của nhà văn Tô Hoài!

Và rất may, chỉ ít ngày sau đó, trên trang facebook cá nhân, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết thông tin về tác phẩm đã được bổ sung ở làng văn hóa Lũng Cẩm và chị ghi nhận tinh thần cầu thị của các cán bộ văn hóa huyện Đồng Văn. Đây là một hành động sửa sai cần thiết và kịp thời, cũng là sự ghi nhận xứng đáng với những người đã có công đưa một địa điểm đẹp của Đồng Văn đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển du lịch địa phương.

An Định