Cảnh giác chiêu trò xuyên tạc tình hình kinh tế đất nước
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:39, 25/01/2021
Những ngày đầu năm 2021 này, bất chấp thành công mà Việt Nam giành được trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, nhiều đối tượng xấu cho rằng, sự thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước là “vật ngáng đường” phát triển. Họ “than thở”, nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài (FDI) sẽ không cho phép Việt Nam có cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình... Ngay cả con số về tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm 2019, đưa Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới cũng không làm các đối tượng gắn mác “chuyên gia kinh tế”, “nhà nghiên cứu độc lập” hài lòng. Bởi trong suy nghĩ của họ, đó là “thành tích ảo”, là “tự sướng”...
Năm 2020, dịch Covid-19 trở thành “sát thủ vô hình” với nền kinh tế toàn cầu, khiến hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng và “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD. Chỉ trong lĩnh vực hàng không thế giới, doanh thu giảm hơn 60% và lỗ ròng hơn 118,5 tỷ USD… Bất chấp những khó khăn ấy, bất chấp thiên tai, bão lũ và xâm nhập mặn ở nhiều địa phương, nhiều vùng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương và bản thân các doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam có sự phát triển ổn định.
Cụ thể, năm 2020, Việt Nam đạt xuất siêu giá trị khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Tính đến hết ngày 31-12-2020, giá trị vốn hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán đạt hơn 4,08 triệu tỷ đồng, đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 64% GDP. Điều đáng chú ý là năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động và tăng 290 USD so với năm 2019). Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dù khó khăn bủa vây…
Những con số trên cho thấy chúng ta không tự “đánh bóng” hay “tô hồng” và trên thực tế, đã có nhiều tổ chức uy tín trên thế giới nhận xét rất tốt khi đánh giá về thành tựu kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Trước đó, tháng 8-2020, Tạp chí The Economist (Anh) đánh giá Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Tháng 10-2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định, GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia.
Gần đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh đã công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035. CEBR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.
Việc một số đối tượng dùng mọi biện pháp để chê bai, đả phá, bôi đen, xuyên tạc những thành quả Việt Nam giành được, nhất là về kinh tế, đã không còn mới mẻ và hoàn toàn là những tiếng nói lạc lõng. Do hận thù, do thiếu niềm tin và do nhiều nguyên nhân khác mà những phần tử này luôn có cái nhìn méo mó về thực tế Việt Nam. Các đối tượng chọn mạng xã hội, những trang web bất hợp pháp để truyền tải thông tin xấu độc và từ mục tiêu đả phá về thành tựu phát triển kinh tế nhằm thực hiện mưu đồ lôi kéo, cổ vũ hình thành xã hội dân sự, đấu tranh bất bạo động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... hướng lái tới hạ thấp, phủ nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đáng tiếc là vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, nhất là giới trẻ lại tiếp nhận, chia sẻ, bình luận khi lầm tưởng mạng xã hội là nguồn thông tin chính thức…
Để không mắc mưu kẻ xấu, cách tốt nhất là mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo tìm hiểu khi tiếp cận thông tin trái chiều; nêu cao bản lĩnh chính trị, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng sức mạnh đoàn kết, hướng tới mục tiêu vì Việt Nam hùng cường.
Mặt khác, Nhà nước, cơ quan chức năng cần có các giải pháp phòng, chống thông tin xấu độc hiệu quả, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn ở trong cả những lĩnh vực khác, thông qua mở rộng và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Các cơ quan truyền thông cần tăng thời lượng tuyên truyền, xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân để phân biệt, đấu tranh, tẩy trừ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt. Trong quản lý, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hạn chế đến mức thấp nhất “giấy phép con”, “quyền tôi”, “quyền anh” và vấn nạn “nâng đỡ không trong sáng” cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường và kiên quyết xử lý hàng lậu, hàng giả, trốn thuế và gian lận thương mại; xử lý cán bộ tiếp tay cho các hành vi nói trên. Nhà nước, ngoài siết chặt hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, cần lựa chọn các giải pháp đột phá, thiết thực để nâng đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, hướng tới sản xuất những mặt hàng có thế mạnh để xuất khẩu.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện là câu trả lời đanh thép, đập tan những luận điệu vu khống, xuyên tạc. Kết quả ấy chắc chắn có được khi toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội đồng sức, đồng lòng trên cơ sở nhận thức đúng và nhìn về một hướng, cùng hành động quyết liệt.