Ngân hàng sát cánh cùng doanh nghiệp vượt “bão”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 26/01/2021
Hàng trăm nghìn khách hàng được hỗ trợ
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho 390.000 khách hàng vay mới gần 2,3 triệu tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.
Riêng địa bàn Hà Nội, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 11.500 khách hàng với tổng dư nợ đạt 45.200 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 5.000 khách hàng với tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng; cho hơn 37.000 lượt khách hàng vay mới 445.684 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Thực tế, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã vào cuộc trong suốt năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ, năm 2020, VietinBank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 1.340 khách hàng với khoảng 7.050 tỷ đồng dư nợ; miễn, giảm lãi cho gần 7.700 khách hàng với dư nợ khoảng 267.160 tỷ đồng; giải ngân cho vay mới 674.310 khách hàng với dư nợ khoảng 357.370 tỷ đồng; tiết giảm 5.000 tỷ đồng chi phí và lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay về mức trung bình của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. “Ngay tại thời điểm nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức từ dịch Covid-19, VietinBank vừa chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, vừa tái cấu trúc hoạt động để bảo đảm hiệu quả kinh doanh...”, ông Lê Đức Thọ thông tin.
Giám đốc điều hành khách sạn 5 sao Sen Trắng (Công ty TNHH Sen Trắng, Thừa Thiên - Huế) Lê Thị Hương Giang cho hay, từ tháng 3-2020, toàn bộ hoạt động du lịch của khách quốc tế bị đình trệ. Hoạt động kinh doanh của khách sạn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với việc khách hàng đã hủy 80% sự kiện trong tháng 1 và tháng 2-2020, hủy toàn bộ sự kiện đã đặt trước các tháng 3, 4, 5, 8 đến giữa tháng 9-2020. Tuy nhiên, nhờ VietinBank giảm lãi suất cho vay trung hạn 1% đối với toàn bộ dư nợ (khoảng 132 tỷ đồng), đồng thời cơ cấu nợ 3 đợt trong năm 2020, nên doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Năm 2021, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp được dự báo tiếp tục khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đại diện các ngân hàng đều cam kết sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành, ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn. Để triển khai được những mục tiêu này, Vietcombank sẽ tiết giảm chi phí, lợi nhuận.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Đức Tú cho biết, trong năm 2021, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, chủ động giảm thu nhập để chung tay chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh thiên tai và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng khẳng định, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp với việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh, thiên tai, duy trì đà phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2021.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian qua, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 cũng chính là hỗ trợ các ngân hàng trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn, bảo đảm lợi nhuận. Việc các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu thời hạn trả nợ đã giúp ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí và trích lập dự phòng rủi ro, mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận. Vì vậy, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.