Tầm nhìn chiến lược cho tương lai

Đời sống - Ngày đăng : 11:50, 27/01/2021

(HNMO) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đồng chí Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

- Đánh giá khái quát về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó thành phố Hà Nội đã làm được gì theo đồng chí là ấn tượng nhất?

- Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện trên một số điểm lớn: Kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển văn hóa, xã hội, con người… đều có bước phát triển mới.

Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh, nhưng chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công; phục hồi dần sản xuất, kinh doanh; ổn định đời sống nhân dân.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đưa ra được quyết sách đồng bộ mang tính chiến lược, nhưng lại rất cụ thể, phù hợp cho từng giai đoạn.

Xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chuyên đề để cải cách lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Từ chỗ xem doanh nghiệp là chủ thể quản lý, thì nhiệm kỳ qua, thành phố đã xem doanh nghiệp là khách thể quản lý, là bạn đồng hành của thành phố, khai thông mọi nguồn lực để mọi thành phần kinh tế đều có điều kiện phát triển.

Chính nhờ đổi mới về tư duy quản lý, cách thức triển khai, Hà Nội đã dần trở thành “miền đất lành” để doanh nghiệp đến đầu tư, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Từ đó, chúng ta có thêm nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng…

- Là đại biểu tham dự Đại hội, đồng chí có kỳ vọng gì gửi tới Đại hội XIII, nhất là đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội?

- Để sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong mọi tình huống, tận dụng tối đa cơ hội, đưa đất nước tiếp tục phát triển, tôi tin tưởng Đại hội sẽ đề ra chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Tôi tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất cao của các đại biểu, Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương là những đồng chí đủ bản lĩnh, trí tuệ và năng lực để lãnh đạo đất nước làm nên những kỳ tích mới.

Với Thủ đô Hà Nội, phát huy hết yếu tố con người, nguồn lao động chất lượng cao, một giai cấp công nhân “áo xanh” thế hệ 4.0, chúng ta sẽ có nguồn lực vô giá. Một khi khơi thông được nguồn lực con người vô giá đó thì sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững.

- Đồng chí có đề xuất, kiến nghị gì để công tác chăm lo đời sống cũng như việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân, lao động Thủ đô và cả nước ngày một tốt hơn?

- Lịch sử của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn luôn gắn liền với sự phát triển của Đảng. Chính vì thế, Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tới đây rất cần ban hành Nghị quyết mới về công nhân, công đoàn để phát huy tối đa vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong tình hình mới. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Kết luận số 79-KL/TƯ ngày 25-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến công nhân như nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Ngoài ra, có giải pháp toàn diện nâng cao khả năng thích ứng của người lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh đó, sớm tiến hành sửa đổi Luật Công đoàn, để tổ chức Công đoàn thực sự có đủ công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một cách tốt nhất.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hà Phong