Họa sĩ Vương Tử Lâm: Miệt mài với hội họa đơn sắc

Xã hội - Ngày đăng : 16:39, 28/01/2021

(HNMCT) - Vương Tử Lâm là một trong số ít họa sĩ tiên phong thực hành hội họa đơn sắc ở nước ta. Cuối năm ngoái, ông cùng với hai nghệ sĩ người Pháp và Nhật Bản giới thiệu các tác phẩm đơn sắc với chủ đề “Chào mặt trời” tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là dịch giả cuốn sách “Hình, không gian và cách nhìn” - một giáo trình đầy đủ và cơ bản dành cho những ai đam mê học vẽ. Tinh thần nghiên cứu và lao động nghệ thuật cẩn trọng, miệt mài, không ồn ào của họa sĩ Vương Tử Lâm được đồng nghiệp và công chúng trân trọng.

- Thưa họa sĩ Vương Tử Lâm, anh có thể giới thiệu với độc giả đôi chút về hội họa đơn sắc?

- Hội họa đơn sắc được cho là xuất phát từ nước Nga, bắt đầu với những tên tuổi như Malevich, Rodchenko... Ban đầu, người ta coi đó như một sự phản đối xã hội tiêu dùng, đời sống xã hội tràn ngập những hình ảnh có thể làm cho người ta nhiễu loạn. Theo thời gian, hội họa đơn sắc được hiểu rộng hơn rất nhiều.

Nghệ thuật đơn sắc đã có từ lâu, bao gồm cả điêu khắc, kiến trúc, thời trang, nội thất... Trong hội họa thì hầu như xu hướng nào cũng có thể tạo ra hình ảnh đơn sắc - từ tả thực cho tới trừu tượng, từ biểu hiện cho tới ý niệm... bởi đơn sắc không chỉ là tô đều một màu với một quang độ duy nhất, mà họa sĩ còn có thể vẽ một màu với độ sáng tối biến ảo. Mặt khác, đã nói đến đơn sắc, cái đầu tiên người ta thường nghĩ đến là màu sắc trong ý nghĩa biểu trưng hoặc ẩn dụ của nó. Bởi vậy, nếu nói “tranh đơn sắc” với nghĩa tô đều một màu duy nhất, với một độ sáng (hoặc tối) duy nhất thì đó là cách hiểu dễ dãi, nông nổi.

- Điều gì ở hội họa đơn sắc khiến ông say mê?

- Nghệ thuật hội họa luôn có ngôn ngữ riêng. Tôi tập trung vào việc tìm cấu trúc hình - yếu tố quan trọng nhất về mặt tạo hình. Tôi không vẽ hai phương mà vẽ cấu trúc một phương - hình tròn. Nhìn thoáng qua có người bảo tranh của tôi trông giống như hình trái đất, như một bản đồ, như một tảng đá, một dòng sông cạn trơ đáy... tức là rất nhiều liên tưởng. Nhưng cái chính là tôi muốn biểu hiện một không gian tròn chứ không phải một không gian bị khoanh tròn hay bị nhìn qua cửa sổ hình tròn.

Với hội họa đơn sắc, tôi đã tìm thấy ngôn ngữ để biểu đạt ý tưởng của mình. Người ta có thể gọi đó là nghệ thuật ý niệm. Tôi mượn hình ảnh đơn sắc để nói lên điều ấy chứ không hoàn toàn đơn sắc chỉ là đơn sắc. Nó không chỉ là ngôn ngữ của màu sắc mà trong đó hàm chứa những vấn đề về cấu trúc không gian.

Tác phẩm đơn sắc của họa sĩ Vương Tử Lâm.

- Mới đây ông đã trưng bày tác phẩm của mình cùng với hai nghệ sĩ người Nhật và Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông tìm thấy sự tương đồng như thế nào với những người cùng theo đuổi hội họa đơn sắc?

- Tôi rất chú ý đến các tác phẩm của nữ họa sĩ người Nhật Mari Takemoto. Tác phẩm của cô ấy là sự sắp xếp các hình chữ nhật, tam giác pha Pop Art với những tín hiệu của đời sống bình dân. Còn Olivier Mosset là nghệ sĩ đa phong cách, đa phương tiện. Ông ấy đã từng vẽ lên ô tô, xe máy. Khi vẽ xong tác phẩm đơn sắc, ông ấy nghĩ nó là một tác phẩm độc lập, có thể hủy tác quyền của mình và để người xem tự cảm nhận, ông coi đó là tác phẩm thuộc về người xem. Cho nên nhiều lần triển lãm ông không xuất hiện. Với tôi, cuộc trưng bày này như một sự đối thoại của 3 nghệ sĩ đến từ 3 nơi khác nhau, một phần thỏa mãn sự hiếu kỳ của người xem. Đây là lần thứ 5 tôi làm triển lãm cùng Olivier Mosset.

- Anh xác định theo đuổi hội họa đơn sắc đến cùng?

- Tôi vẫn vẽ, và nếu có điều kiện thì cứ triển lãm thôi. Có người sẽ nói tôi kiên trì, cũng có người nói tôi làm điều vô ích, làm thế để làm gì. Nhưng với tôi, tôi sáng tác và mang tác phẩm ra cho mọi người xem, chỉ đơn giản vậy thôi. Khi tác phẩm được mang ra triển lãm, phần thuộc về mình không còn nữa mà hãy để cho khán giả tự cảm nhận. Sắp tới, có thể tôi sẽ làm triển lãm “Đơn sắc” ở Hà Nội. Con đường hội họa nào cũng vậy, để hiểu và nhận thức về nó thì cần chục năm trở lên tìm hiểu và nghiên cứu chứ nghệ thuật không bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Hội họa đơn sắc cũng cần có đam mê, nhưng nếu hỏi tôi đam mê đến bao giờ thì thật khó nói. Với các họa sĩ đơn sắc, nghệ thuật đơn sắc chỉ là một giai đoạn, ít người làm xuyên suốt từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ mình cũng không phải ngoại lệ. Có thể sau này tôi sẽ chuyển sang một hình thức khác, có thể không còn là đơn sắc nữa, có thể cũng là cấu trúc ấy nhưng mình thay đổi bề mặt. Cũng có nhiều thứ thú vị để thử!

- Cảm ơn họa sĩ đã chia sẻ!

Bảo Trân